Trước tỉ lệ tốt nghiệp THPT đang khiến cả xã hội phải nghi ngờ về độ tin cậy của nó, lãnh đạo Bộ GD-ĐT vẫn khẳng định kỷ luật thi cử được siết chặt, trình độ học sinh được nâng lên nên có tỉ lệ đỗ cao. Nhiều chuyên gia giáo dục đặt vấn đề với tỉ lệ tốt nghiệp đến 95%, coi như Việt Nam đã được phổ cập THPT. Nếu học sinh đã “giỏi” như vậy thì có cần thiết phải tổ chức một kỳ thi quốc gia cho tốn kém?
GS Phạm Tất Dong, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, nguyên phó trưởng Ban Khoa giáo Trung ương, cũng thống nhất quan điểm này vì mục đích kỳ thi tốt nghiệp THPT không phải để chọn ra người trượt mà là để đánh giá chất lượng thí sinh. Nếu kết quả tốt nghiệp năm nay là thực chất thì nên suy tính đến một phương án khác, đó là giao kỳ thi này cho các địa phương tổ chức. Cần quan niệm thi tốt nghiệp phổ thông không phải là một kỳ thi “ghê gớm”, thí sinh chỉ cần nắm được những kiến thức cơ bản. Nhưng thi ĐH, CĐ thì cần phải đặc biệt nghiêm túc để tuyển được những người có kiến thức tốt.
Những nghi vấn mà xã hội đặt ra từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay cũng cho thấy một điều: Không thể lấy kết quả này để xét tuyển ĐH, CĐ nếu không có một cuộc cải cách quan trọng về kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Bình luận (0)