Chỉ nửa tháng nữa học sinh ở nhiều tỉnh, thành sẽ tựu trường. Đây là thời điểm nhu cầu về sách giáo khoa (SGK) tăng cao, đến nay, các công ty sách - thiết bị trường học (TBTH) các địa phương đã nhận 100% kế hoạch sản lượng phát hành. Riêng thị trường TP HCM, Công ty CP Sách - TBTH TP HCM đã nhận 11,6 triệu bản SGK để phát hành phục vụ năm học mới, đạt 104% kế hoạch, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2018.
Nhà sách lo nhập sớm
Ghi nhận tại các cửa hàng bán lẻ, nhà sách ở TP HCM, lượng khách hàng mua SGK lẻ không sôi động và lượng sách bán ra chậm hơn so với cùng kỳ năm ngoái, khả năng xảy ra tình trạng lượng mua tăng đột biến là không cao. Các nhà sách đã chủ động dự trữ nguồn hàng sớm, đủ số lượng và tổ chức bán hàng đáp ứng nhu cầu mua sắm của phụ huynh, học sinh.
Ngoài ra, tại nhiều trường tiểu học, mầm non đã thưởng cuối năm cho mỗi học sinh một bộ SGK thay cho những phần quà, đã góp phần bảo đảm lượng SGK sử dụng cho năm học tiếp theo tại trường. Anh Trần Quang Quý, nhân viên nhà sách Minh Khai, cho biết cửa hàng đã nhập SGK về bán từ giữa tháng 5 nhưng đến nay, lượng sách vẫn còn khá nhiều. Theo anh Quý, dự kiến năm nay, phụ huynh học sinh sẽ tập trung mua SGK từ tháng 8 đến tháng 9 nhưng sẽ không xảy ra tình trạng khan hiếm.
Đầu tháng 8, các cửa hàng bán lẻ khá vắng phụ huynh, học sinh mua SGK
Năm nay, việc tăng giá dẫn tới có những cuốn sách 2 giá, gây khó khăn nhất định cho phụ huynh khi mua nhưng NXB đã công bố trên các phương tiện truyền thông trước về việc tăng giá và cũng in bảng giá chuyển tới các địa phương, lượng sách bán theo giá cũ cũng không nhiều.
Đây là năm cuối cùng sử dụng SGK lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, để hạn chế thấp nhất tình trạng thiếu sách và "sốt" sách xảy ra, NXB Giáo dục Việt Nam tại TP HCM đã triển khai in sớm hơn 4 triệu bản, tăng 5% so với năm 2018. Đồng thời, các công ty sách - TBTH địa phương cũng đã sẵn sàng trong việc dự trữ SGK lớp 1 và SGK lớp 6, lớp 10 để phục vụ mùa cao điểm tháng 8 và tháng 9. Toàn bộ hệ thống bán lẻ chuẩn bị đầy đủ SGK, mở cửa bán hàng suốt tuần, niêm yết đầy đủ bảng giá, thực hiện các kế hoạch dự phòng để không xảy tình trạng thiếu nguồn cung.
Tránh lãng phí
Do chờ gần đến ngày nhập học mới mua, phụ huynh phải đi nhiều nơi mới mua đủ bộ SGK cho con. Để tránh tình trạng này, ông Từ Quốc Tuấn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Định Của, TP HCM - khuyến cáo phụ huynh nên mua sớm SGK cho các em tại những kênh phân phối chính thức của NXB Giáo dục Việt Nam. Cũng theo ông Tuấn, vì đây là năm cuối sử dụng SGK lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông nên dễ xảy ra tình trạng khan hiếm sách. Nếu thiếu SGK, trường sẽ giải quyết theo hướng cho sử dụng lại sách cũ. "Đừng vội mua sách bài tập vì tùy tình hình từng năm sẽ sử dụng hay không, mua sách bài tập sớm không sử dụng thì rất lãng phí, trường sẽ thực hiện quy định của sở theo từng năm và sẽ hướng dẫn chi tiết cho phụ huynh khi nhập học. Nếu phụ huynh không mua sách bài tập, trường sẽ in phiếu bài tập và phát cho các em làm" - ông Tuấn thông tin.
Ông Đỗ Thành Lâm, Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam tại TP HCM, khuyên phụ huynh không mua sách từ nguồn trôi nổi trên thị trường. Đồng thời, ông Lâm khẳng định sẽ không diễn ra tình trạng thiếu sách, phụ huynh có nhu cầu mua sách đều được đáp ứng. "Tất cả công ty sách - TBTH thuộc NXB bảo đảm cung ứng kịp thời nhu cầu mua sách của phụ huynh, kể cả trong năm học. Nếu phụ huynh học sinh không mua được sách tại nhà phân phối, có thể liên hệ trực tiếp đường dây nóng qua số điện thoại: 0377 333 545" - ông Lâm nói.
Đối với SGK lớp 1, NXB Giáo dục Việt Nam khẳng định sẽ cung cấp đủ theo nhu cầu của học sinh. NXB đã có kế hoạch cân đối phù hợp để không xảy ra tình trạng lãng phí nhưng lượng SGK xuất bản đủ phục vụ cả trong trường hợp hư hại, mua bổ sung.
Giữ gìn sách cho lớp sau
Để tăng tỉ lệ sử dụng lại SGK, NXB Giáo dục Việt Nam đã cho in dòng chữ "Hãy giữ gìn SGK để dành tặng cho các em học sinh lớp sau" trên trang 1 của tất cả SGK. Một số hoạt động nhằm tuyên truyền tới học sinh ý thức giữ gìn, quyên tặng SGK đã và đang được NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức thực hiện.
Bình luận (0)