Ngày 11-4-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 418/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ (KH-CN) giai đoạn 2011-2020. Được đánh giá là có nhiều điểm mới mang tính đột phá, chương trình này được kỳ vọng tạo động lực góp phần đưa KH-CN từ nay trở thành nhân tố quan trọng đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Gỡ bỏ những “nút thắt”
Khoán sản phẩm khoa học
Theo đó, kể từ năm 2013, Nhà nước sẽ thực hiện thí điểm cơ chế khoán chi tới sản phẩm cuối cùng trong các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo KH-CN. Các nhà khoa học có quyền chủ động chi tiêu và cuối cùng cần bàn giao đúng và đủ các sản phẩm theo hợp đồng. Khi các nhà khoa học giao nộp kết quả cuối cùng và đáp ứng các tiêu chí, yêu cầu của đề tài, dự án như cam kết ban đầu thì toàn bộ quá trình thanh - quyết toán; hóa đơn, chứng từ sẽ không cần thiết nữa.
Cũng từ năm nay, sẽ bắt đầu thí điểm triển khai cơ chế Nhà nước sẽ đứng ra mua sản phẩm KH-CN của các nhà khoa học. Có thể hiểu đơn giản cơ chế mới sẽ giúp các nhà khoa học được tự chủ trong việc sử dụng tiền phục vụ cho nghiên cứu khoa học, miễn sao kết quả nghiên cứu đạt được các yêu cầu như đã đề ra. Và các nhà khoa học có thể thoải mái thực hiện các nghiên cứu khoa học, sau đó bán lại chúng.
PGS-TS Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, cho biết từ năm 2012, Sở KH-CN TP đã bắt đầu triển khai cơ chế mua sản phẩm khoa học từ công trình nghiên cứu khoa học thông qua các hợp đồng đặt hàng. PGS-TS Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM, cho rằng trong bối cảnh hiện nay, rất cần giao quyền tự chủ về tài chính cho các tổ chức, trường, viện, nhà khoa học. Khi được tự chủ tài chính sẽ giúp đẩy mạnh việc đầu tư cho nghiên cứu, sản xuất KH-CN, nhất là trong lĩnh vực công nghệ mới. Các nhà khoa học cũng sẽ thoải mái, yên tâm hơn để tập trung nghiên cứu khoa học, tạo ra những sản phẩm KH-CN có giá trị, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao.
Đạt 45% GDP Mục tiêu cụ thể chiến lược phát triển KH-CN giai đoạn 2011-2020 là đến năm 2020, giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 45% GDP. Số lượng công bố quốc tế từ các đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách Nhà nước tăng trung bình 15%-20%/năm. Phấn đấu tăng tổng đầu tư xã hội cho KH-CN đạt 1,5% GDP vào năm 2015 và trên 2% GDP vào năm 2020. Bảo đảm mức đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho KH-CN không dưới 2% tổng chi ngân sách Nhà nước hằng năm. |
Xây dựng V-KIST Năm 1953, Hàn Quốc bước ra khỏi cuộc chiến tranh trong đói nghèo và lạc hậu, thiếu tài nguyên, thiếu vốn. Trong bối cảnh như vậy, chính phủ Hàn Quốc đã xác định: Để phát triển kinh tế thành công, việc đầu tiên là phải phát triển công nghệ. Viện KH-CN Hàn Quốc (Korea Institute of Science and Technology - KIST) được thành lập với trọng trách đó. Khi ấy, đích thân tổng thống Park Chung-hee đứng ra đỡ đầu thành lập KIST với những chính sách ưu đãi đặc biệt như xây dựng luật riêng cho viện này mà không bị ràng buộc bởi các luật khác, kể cả luật ngân sách nhà nước. Họ sẵn sàng trả lương cho các nhà khoa học rất cao, thậm chí cao hơn lương tổng thống lúc đó. Và chỉ sau vài chục năm, Hàn Quốc đã thành công khi 30% giá trị gia tăng sản phẩm công nghiệp của nước này là từ các công trình nghiên cứu của Viện KIST, góp phần đưa Hàn Quốc trở thanh một quốc gia có nền kinh tế đứng hàng thứ 13 thế giới như hôm nay. Hiện Bộ KH-CN Việt Nam đang tiến hành xây dựng hồ sơ dự án Viện KH-CN mới (V-KIST) theo mô hình KIST của Hàn Quốc. Ông Jeong Hyop Lee, Viện Chính sách KH-CN Hàn Quốc, cho biết những vấn đề về phát triển KH-CN của Hàn Quốc cũng diễn ra tương tự như Việt Nam hiện nay. Theo Bộ KH-CN, ông Kyu Hong Ahn, Phó Chủ tịch phụ trách đối ngoại của KIST, khẳng định Hàn Quốc muốn đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện dự án V-KIST trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân hôm 27-2-2013 tại Hà Nội. |
Bình luận (0)