xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhà khoa học nản lòng vì cơ chế

THÙY VINH thực hiện

Xung quanh thực trạng Việt Nam có quá ít nghiên cứu đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín (Báo Người Lao Động đã phản ánh trên số báo ngày 22-11), chúng tôi đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với PGS-TS Phan Bảo Ngọc, Trưởng bộ môn Vật lý Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TP HCM

Là một nhà nghiên cứu khoa học và có nhiều công trình được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế, theo PGS, các bài báo quốc tế có giá trị và ý nghĩa của như thế nào đối với khoa học và giáo dục?
img
Nghiên cứu sinh làm việc tại Viện Nghiên cứu Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường, Trường ĐH Công nghiệp TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh
- PGS-TS Phan Bảo Ngọc: Một công trình nghiên cứu khoa học (NCKH) được đăng trên các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới khi kết quả nghiên cứu của công trình đó phải mới và có đóng góp đáng kể về mặt khoa học, kỹ thuật hay công nghệ trong lĩnh vực đó. Như vậy, các bài báo quốc tế sẽ góp phần vào việc tạo ra tri thức mới, công nghệ mới, làm nền tảng cho sự phát triển của khoa học, công nghệ.

img

PGS-TS Phan Bảo Ngọc

Các nghiên cứu thực tiễn đã chỉ ra rằng các giảng viên có nghiên cứu sẽ có phương pháp giảng dạy khoa học, kiến thức truyền thụ cho sinh viên tiến bộ và vượt bậc hơn so với giảng viên chỉ đi dạy suông, góp phần cải thiện và thay đổi đáng kể chất lượng giáo dục.

Theo Báo cáo Giám sát Giáo dục ĐH của Quốc hội năm 2013, mỗi năm Việt Nam chỉ có khoảng 600 bài báo được đăng trên các tạp chí quốc tế, trong khi hiện nay có gần 10.500 GS, PGS và 26.000 TS. Nguyên nhân nào khiến số lượng bài báo khoa học quốc tế khiêm tốn như vậy?

- Theo tôi, số bài báo ít và chất lượng thấp liên quan đến 3 yếu tố chính: môi trường NCKH, cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu và các nhà khoa học.

Ở Việt Nam, môi trường NCKH bao gồm các chính sách, các thủ tục hành chính, cơ chế xét chọn, quản lý đề tài NCKH... chưa thông thoáng, rất nặng nề về thủ tục giấy tờ. Tiền lương của các nhà nghiên cứu, kinh phí thực hiện NCKH quá thấp. Việc xét duyệt và quyết toán một đề tài NCKH đòi hỏi quá nhiều giấy tờ rắc rối có thể làm nản lòng những nhà khoa học kiên nhẫn nhất. Nhiều nơi vẫn còn phổ biến tình trạng can thiệp của các nhà quản lý, có chức vụ trong việc xét chọn đề tài khoa học, dẫn đến tình trạng bóp méo các tiêu chuẩn khoa học thông thường để đánh giá một công trình NCKH.

Nhiều phòng thí nghiệm ở các trường ĐH, viện nghiên cứu hiện nay ở Việt Nam chủ yếu để phục vụ giảng dạy và thực hiện các nghiên cứu đơn giản nên các nhà khoa học không thể thực hiện các nghiên cứu đột phá, tầm cỡ. Kết quả nghiên cứu vì thế rất khó được nhận đăng ở các tạp chí quốc tế uy tín.

Ngoài ra, chúng ta thiếu một đội ngũ các nhà khoa học trưởng thành, xuất sắc, có đủ trình độ để thực hiện các nghiên cứu độc lập do thiếu thời gian tôi luyện cần thiết trong môi trường NCKH có chuẩn mực quốc tế. Nhiều nhà khoa học sau khi có học vị TS hoặc được phong hàm PGS, GS rồi thôi không nghiên cứu nữa...

Trong số 30 công trình công bố quốc tế, phần lớn PGS thực hiện khi còn làm việc tại Pháp, Mỹ và Đài Loan. Sau khi về nước và làm việc trong môi trường nghiên cứu tại Việt Nam, PGS có thực hiện được các bài báo khoa học quốc tế không, quá trình thực hiện như thế nào?

- Sau khi về nước năm 2009 đến nay, tôi tiếp tục nghiên cứu và công bố thêm 7 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế, trong đó một số công trình được Quỹ Nghiên cứu khoa học NAFOSTED tài trợ. Nhưng tôi phải thừa nhận việc nghiên cứu chậm lại rất nhiều so với khi tôi đang ở nước ngoài.

Hiện Quỹ NAFOSTED hỗ trợ khoảng 250 triệu đồng/bài báo khoa học quốc tế. Trong khi trung bình mỗi công trình về vật lý thiên văn mà tôi thực hiện, chi phí cho dữ liệu quan sát khoa học đã hết 200.000 USD. Tôi và các nhà nghiên cứu khác muốn có sản phẩm đăng trên các tạp chí quốc tế hàng đầu phải hợp tác với các viện, trung tâm nghiên cứu nước ngoài để có thêm chi phí.

Quá trình thực hiện một công trình nghiên cứu phải trải qua nhiều giai đoạn sàng lọc, cạnh tranh rất khắc nghiệt, tốn kém và mất nhiều thời gian. Ví dụ, dự án nghiên cứu sao lùn nâu năm 2012 của tôi gửi lên Hiệp hội Kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất thế giới ALMA và phải trải qua vòng phản biện độc lập của 78 chuyên gia về mặt khoa học và kỹ thuật, chỉ 10% trên tổng số 1.133 dự án đề nghị trên toàn thế giới được chấp thuận. Sau đó, khoảng 6 tháng mới được quan sát và có số liệu, nếu phân tích có kết quả tốt, lúc đó tôi mới viết bài gửi đăng. Trước khi đăng phải qua vòng phản biện của tạp chí mất từ 2 tháng đến 1 năm nữa. Vì thế, không có tinh thần đam mê khoa học thì không thể vượt qua được.

Vậy theo PGS, làm sao để “nuôi dưỡng” tinh thần đam mê khoa học trong điều kiện hiện nay?

- Theo tôi, cần giải quyết sự thiếu và yếu của 3 yếu tố chính như tôi đã nói ở trên. Cụ thể: Nhà nước nên có chính sách đặc thù trả lương cao, giảm bớt thủ tục giấy tờ, hành chính cho các nhóm NCKH, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học công nghệ mũi nhọn. Cần giám sát nghiêm ngặt việc thực hiện các chính sách, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí. Đặc biệt, hạn chế sự can thiệp của cán bộ quản lý, có chức vụ vào việc xét duyệt công trình khoa học; chủ tịch hội đồng khoa học các trường, viện nên là các nhà khoa học có tầm chứ không phải là cán bộ quản lý có chức vụ phổ biến như hiện nay. Việc đào tạo, xây dựng đội ngũ các nhà khoa học rất cần lưu ý đến thời gian làm việc trong môi trường NCKH quốc tế sau TS. Cuối cùng, các nhà quản lý nên lắng nghe ý kiến các nhà khoa học vì chúng ta cần các nhà khoa học để phát triển khoa học - công nghệ, giáo dục và đất nước.

PGS-TS Phan Bảo Ngọc (SN 1975), hoàn thành chương trình thạc sĩ và tiến sĩ tại ĐH Pierre et Marie Curie (Paris 6), Pháp vào năm 2002. Anh là một chuyên gia nghiên cứu sao lùn nâu với 30 công trình nghiên cứu đã được công bố trên 4 tạp chí khoa học chuyên ngành quốc tế hàng đầu trên tổng số hơn 55 tạp chí trong lĩnh vực vật lý thiên văn (gồm The Astrophysical Journal, The Astronomical Journal, Astronomy and Astrophysics và Monthly Notices of the Royal Astronomical Society). PGS-TS Phan Bảo Ngọc từng vinh dự nhận Giải thưởng Henri Chrétien năm 2007 của Hội Thiên văn Mỹ. Có nhiều cơ hội làm việc ở các trường ĐH, viện nghiên cứu lớn trên thế giới nhưng PGS Ngọc quyết định về nước và làm việc tại Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TP HCM từ năm 2009.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo