Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, sự việc "cô giáo cung bọ cạp", cùng với những vụ việc bạo lực học đường, thầy trò ẩu đả nhau trên bục giảng… là một trong rất nhiều minh chứng cho thực trạng hiện nay, nhiều nhà giáo đã không còn cảm xúc và những tình cảm đẹp về nghề.
Một chuyên gia giáo dục cho rằng nhiều thầy cô giáo hiện nay lên lớp nhưng tâm lý không phải đi dạy, mà mang tâm trạng trong cuộc sống riêng, trong công việc… lên bục giảng. Chính vì thế, hôm nào giáo viên vui thì học trò được nhờ, và ngược lại.
Tại buổi tọa đàm “Ứng xử học đường nhìn từ phía thầy, cô” do Báo Thế giới tiếp thị tổ chức vừa qua. Nhiều nhà giáo tham gia tọa đàm nhìn nhận, nhiều giáo viên hiện nay đang thiếu đi tâm hồn đẹp và những cảm cảm xúc đẹp với chính nghề nghiệp và học trò của mình. Chính vì đời sống tinh thần nghèo nàn, thiếu kỹ năng ứng xử, xem nghề dạy học như là ban ơn nên chỉ cần một tình huống va chạm nhỏ, người thầy sẵn sàng mày- tao, thậm chí hành hung, ẩu đả với học trò. Và điều đáng sợ nhất là giáo viên xem đó như một điều bình thường và cần thiết. Nhiều giáo viên còn mang tư tưởng, đã đánh, chửi thế mà còn không ăn thua thì còn biện pháp nào giáo dục hiệu quả?
ThS Nguyễn Thị Thu Hiền, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, cho biết nhiều thầy cô rất khuôn mẫu, máy móc, bắt học trò phải trở thành thế này, thế kia mà không hề quan tâm đến cá tính riêng của học trò. Chính vì thế, chỉ cần một em nào đó đi chệch hướng là sẵn sang dùng các biện pháp trừng phạt. ThS Hiền cho biết, người thầy trước hết phải cảm nhận được mình hạnh phúc, chỉ khi mình có tâm lý hạnh phúc mới có thể điều tiết cảm xúc, giảng dạy học trò một cách hiệu quả nhất, nhưng trong thực tế người thầy hiện nay gặp rất nhiều áp lực từ sổ sách, thành tích…
Tại buổi tọa đàm, nhiều nhà sư phạm cho biết, ở nhiều trường học trên thế giới, người ta dành hẳn phòng tư vấn tâm lý cho giáo viên. Để nếu một hôm nào đó, người thầy có chuyện gì bất ổn thì lập tức được tư vấn, được “cách ly” để hạn chế thấp nhất tình trạng giáo viên lên lớp vì căng thẳng mà trút giận lên học trò. Trong khi đó, ThS Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM đặt vấn đề, các trường sư phạm đã làm gì để trang bị, chuẩn bị cho giáo viên về tâm hồn, đạo đức, kỹ năng, bồi dưỡng cho người thầy những suy nghĩ đẹp về nghề giáo? Nhiều thầy cô giáo hiện nay rất ít đọc sách. Hơn ai hết, người thầy cần biết cảm thụ cái đẹp bằng âm nhạc, thể thao, sách vở; các trường sư phạm cần phải đưa những môn học này vào chương trình để giúp thầy cô sống đẹp, tâm hồn rộng mở và nhân văn trong cư xử.
Bình luận (0)