Dân ta vốn quý trọng các bậc hiền sư. Những vị ấy đã truyền bá chữ nghĩa và đạo lý ở đời cho đám trẻ. Bởi vậy, trong dân gian mới xuất hiện tấm lòng “tôn sư trọng đạo” nhằm bày tỏ thái độ kính trọng thầy và noi theo gương đạo đức sáng trong của thầy mà ăn ở cho phải đạo làm người. Thể hiện lòng tri ân thầy cô đã miệt mài, tận tâm dày công dạy bảo để tạo cho đời một lớp trẻ có chữ nghĩa trong đầu. Vì vậy, ai mà không nhớ câu “nhất tự vi sư bán tự vi sư”.
Đúng vậy, người dạy một chữ cũng là thầy, dạy nửa chữ cùng là thầy ta. Hơn nữa, chỉ có các bậc thầy tận tuỵ mới giúp cho đám học trò mai sau lớn lên lập nên công danh, sự nghiệp. Cho nên mới có thêm câu “không thầy đố mầy làm nên”. Đúng, trò làm nên, một phần nhờ sự dạy khuyên, uốn nắn tận tâm của các thầy cô.
Ai dạy tốt sẽ nhận được phần thưởng quý là sự thành đạt của tuổi trẻ. Phải nhớ kỹ rằng: Bản thân họ đã tiếp nhận từ các bậc thầy một số vốn kiến thức cần thiết. Trên cõi đời này, mấy ai đã thành nhân mà lại nỡ buông lời phủ nhận công lao dạy dỗ cực khổ của thầy bao giờ? Trò thành danh, tạo được sự nghiệp cho bản thân, làm nên chuyện này việc nọ, ngoài cơm áo của cha mẹ, còn nhờ thầy cho chữ nghĩa nữa.
Con trẻ học hành giỏi giang trước hết để không thua kém bạn bè cùng trang lứa, sau nữa để thoát li cảnh u tối. Đó là những tâm hồn đầy bản lĩnh không chịu bó tay đầu hàng số phận mà phấn đấu vươn lên ngang tầm thời đại. Người đời nên nghĩ rằng, khi ta thành đạt cũng là thời điểm các thầy của ta năm xưa đang ở ngưỡng cửa gần đất xa trời. Hãy mau mau tìm về thầy cô cũ, mái trường xưa để nhìn thấy tận mắt những nếp nhăn nheo trên đôi má hóp, sự biến đổi của mái tóc lơ phơ, vóc dáng lom khom, lụm khụm do thời gian tàn phá. Ông cha ta có lời căn dặn ân nghĩa nữa : “Mười năm rèn luyện sách đèn/Công danh tiến bước chớ quên ơn thầy”.
Lời dặn dò sâu sắc, ý nghĩa: “chớ quên ơn thầy”. Khi lắng nghe ai đó thốt lên mấy lời này chắc chắn nhà giáo cảm thấy lòng mình khoan khoái, thanh thảnh nhẹ nhằng lắm cho dù ngoài kia, vận tốc của làn sóng thời gian cứ mãi ào ạt cuộn cuộn tràn về...
Học sinh Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh, TP HCM chúc mừng thầy nhân ngày 20-11
Mong sao cho người đời ai cũng dành cho chút ít tình cảm và lòng tôn kính hướng về các bậc thầy trong cuộc đời mình. Tiện đây xin dùng vài lời nhắn gởi thế hệ nhà giáo đến sau: Một là, tờ giấy rách phải giữ lấy lề, đừng bao giờ dở thói bần cùng sinh đạo tặc. Hai là, không được dùng điểm số vô tri mà gạ gẫm tình tiền với học sinh đáng con cháu mình. Ba là, phải dõng dạc, rắn rỏi nói không với thái độ “gà phải cáo” trước những bất công, bạo lực...
Ước mong trên cõi đời này ai cũng ăn ở sao cho tử tế hợp đạo làm người. Điều đó sẽ khiến cho cha mẹ, ông bà và các thầy cô cảm thấy vui và hãnh diện. Thế nhưng, tình đời sao quá trớ trêu, thực tế ngoài xã hội hiện đại, ngày nay cũng lắm bẽ bàng, chua chát, đắng cay. Bởi vì: “Khó thì hết thảo, hết ngay/ Ông cha cũng bỏ, nghĩa thầy cũng quên”. Trước thực trạng đó, ta nghe lòng xót xa, đau tủi biết bao. Do tình đời đưa đẩy đến cảnh sống khó khăn thiếu thốn làm cho lòng người mất nghĩa, quên ơn.
Đó là lúc tâm trạng của người cha, người thầy cúi mặt, lặng lẽ trong lòng trào dâng nỗi buồn hiu hắt. Tâm trạng thầy lúc ấy chẳng khác gì những chiếc là úa vàng, đang âm thầm rơi rụng bên thềm nhà...
Bình luận (0)