Theo Bộ GD-ĐT, để có thông tin đầy đủ, chính xác của trường nhằm phục vụ công tác xây dựng phần mềm xét tuyển ĐH, CĐ sư phạm và tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh trong việc chọn trường và ngành đào tạo đăng ký xét tuyển. Bộ yêu cầu các trường phải xây dựng và công khai đề án tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của trường và trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT trước khi thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia. Các trường phải chịu trách nhiệm giải trình về các nội dung của đề án, đồng thời gửi đề án về Bộ GD-ĐT để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra.
Cũng theo Bộ GD-ĐT, đề án tuyển sinh này phải cung cấp đầy đủ các thông tin cơ bản về trường, ngành đào tạo; điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo của trường (cơ sở vật chất, giảng viên, hợp tác với doanh nghiệp, việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp...); các thông tin về tuyển sinh của cơ sở đào tạo (kết quả tuyển sinh của 3 năm liền trước năm tuyển sinh để tham khảo; các thông tin cụ thể của năm tuyển sinh). Ngoài ra phải quy định rõ điều kiện nhận đăng ký xét tuyển, ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào của trường (riêng đối với các trường sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển sẽ bổ sung sau khi có kết quả thi THPT quốc gia). Quy định rõ việc sử dụng hay không sử dụng kết quả miễn thi môn ngoại ngữ; điểm thi được bảo lưu theo quy định tại Quy chế xét công nhận tốt nghiệp THPT quốc gia để xét tuyển.
Đối với trường đào tạo trình độ CĐ sư phạm xét tuyển học sinh tốt nghiệp trung cấp, phải quy định rõ cách thức xét tuyển vào ngành học phù hợp. Đối với các ngành năng khiếu thuộc khối ngành văn hóa - nghệ thuật, điểm xét tuyển của các môn văn hóa phải đáp ứng yêu cầu tối thiểu để hoàn thành chương trình phổ thông và được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng Bộ GD-ĐT chấp thuận.
Bình luận (0)