xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc đua quyết liệt

Bài và ảnh: MINH QUYÊN

7 điểm, không đạt điểm sàn xét tuyển vào Trường CĐ Sư phạm Đắk Lắk nhưng nghiễm nhiên đậu hệ CĐ của Trường ĐH Tây Nguyên. Nghịch lý xảy ra do vận dụng Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ

Trước tình trạng một số trường ĐH, CĐ thông báo áp dụng điều 33 của Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ (gọi tắt là Quy chế 33, nhằm tạo điều kiện cho các trường đóng trên địa bàn khó khăn tuyển đủ chỉ tiêu, với quy định mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng ưu tiên là 1, giữa 2 khu vực kế tiếp là 0,5), nhiều trường cùng đóng trụ sở trên một địa bàn đang mất dần thí sinh nên dù không muốn cũng phải “bấm bụng” xin Bộ GD-ĐT được áp dụng theo.

Rớt thành… đậu

Tại Đắk Lắk, nhiều thí sinh đã rút hồ sơ từ Trường CĐ Sư phạm  Đắk Lắk để nộp vào Trường ĐH Tây Nguyên do trường này thông báo áp dụng Quy chế 33.

Thí sinh T. (quê Đắk Lắk) thi khối A đạt 7 điểm. Khi nộp hồ sơ vào Trường CĐ Sư phạm Đắk Lắk, T. được thông báo nếu cộng thêm 1,5 điểm (điểm ưu tiên khu vực 1 của tỉnh Đắk Lắk) thì vẫn không đạt điểm sàn xét tuyển. Tuy nhiên, T. lại vừa tròn 10 điểm, đủ để tham gia xét tuyển nguyện vọng 2 khi nộp vào hệ CĐ của Trường ĐH Tây Nguyên.

img
Thí sinh làm thủ tục trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2011 tại Trường CĐ Sư phạm Trung ương TPHCM
Thí sinh H. thi ở Trường ĐH Sài Gòn được 10,5 điểm khối D1. Với số điểm này, nếu cộng luôn điểm ưu tiên khu vực 1 thì H. chỉ được 12, không đủ điểm sàn xét tuyển nguyện vọng vào ĐH. Vì thế, H. nộp hồ sơ vào Trường CĐ Sư phạm Đắk Lắk ngành ngôn ngữ tiếng Anh. Thế nhưng, sau khi nghe thông báo được cộng tới 3 điểm khi nộp vào Trường ĐH Tây Nguyên, H. lập tức rút hồ sơ để được xét tuyển vào trường này.
Ông Phạm Vũ Luật, Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Đắk Lắk, thừa nhận có thí sinh xin rút hồ sơ khỏi trường vì lý do trên nhưng đây là nguyện vọng và quyền lợi của các em, trường đành chấp nhận.
Ông Luật nói thêm, sở dĩ trường này không xin Bộ GD-ĐT cho áp dụng Quy chế 33 vì nếu tính luôn thí sinh có nguyện vọng vào các ngành ngoài sư phạm thì hầu hết các em ở khu vực 1 nên áp dụng quy chế hay không thì cũng như nhau. Đó là chưa kể trường phải giữ chất lượng của mình.

Ba trường một tỉnh cùng xin dùng quy chế

Với lý do ưu tiên cho thí sinh vùng sâu, vùng xa, phần lớn các trường CĐ sư phạm địa phương như CĐ Sư phạm  Đà Lạt, CĐ Sư phạm Gia Lai, CĐ Sư phạm Kiên Giang... đều thông báo áp dụng Quy chế 33 để nâng điểm ưu tiên khu vực tối đa 3 điểm (đối với các ngành ngoài sư phạm), dù phần lớn thí sinh nguyện vọng vào đây đều thuộc khu vực 1.

Nằm trên địa bàn các huyện hầu hết thuộc khu vực 1, Trường ĐH Tiền Giang thông báo áp dụng Quy chế 33 khi xét tuyển; Trường CĐ Nông nghiệp Nam Bộ tại Tiền Giang cũng thông báo xét tuyển nguyện vọng 2 với điểm chênh lệch giữa các khu vực là 1.

Điều đáng nói ở đây là tại tỉnh Kiên Giang có đến 3 trường CĐ (gồm CĐ Sư phạm Kiên Giang, CĐ Cộng đồng Kiên Giang và CĐ Kinh tế Kỹ thuật Kiên Giang) đã thông báo áp dụng Quy chế 33 với 1 điểm ưu tiên cách nhau giữa các khu vực. Riêng Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Kiên Giang, dù thông báo đang chờ Bộ GD-ĐT cho phép áp dụng quy chế này nhưng hiện đã nhận hồ sơ của thí sinh đạt 6 – 8 điểm cả 3 môn (không tính những thí sinh được ưu tiên đối tượng).

Bộ duyệt trễ

Ông Hồ Minh Triết, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Kiên Giang, cho rằng mọi năm, trường đều xin Bộ GD-ĐT áp dụng Quy chế 33 để tăng thêm cơ hội cho thí sinh nhưng bộ duyệt hồ sơ khá trễ. Vì thế, trong khi chờ, trường vẫn nhận hồ sơ của thí sinh. Nếu được bộ cho phép, trường sẽ xét tuyển bình thường; trong tình huống xấu nhất, trường sẽ thông báo đến thí sinh và xét vào hệ CĐ nghề tùy theo nguyện vọng của từng em.

Hiện nay, không chỉ Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Kiên Giang mà nhiều trường khác cũng đang áp dụng biện pháp “tiền trảm hậu tấu”. Các trường đều thông báo trên trang web của mình và thu hồ sơ của những thí sinh không đạt điểm sàn nếu tính điểm ưu tiên khu vực tối đa là 1,5.

Mù mờ thông tin

Mặc dù Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường phải công khai mọi thông tin liên quan đến hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2 nhưng đến thời điểm này, trang web tuyển sinh của nhiều trường vẫn chưa cập nhật hoặc có nhưng rất chậm.

Nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội khá hoang mang khi không có thông tin về số hồ sơ đã nộp. Các trường ĐH Thái Nguyên, ĐH Hàng hải Hải Phòng, ĐH Lâm nghiệp cũng không cập nhật theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Một số trường khác như ĐH Thăng Long, ĐH Sư phạm Hà Nội 2 đến chiều 1-9 mới chỉ cập nhật dữ liệu đến ngày 30-8. Trong khi Bộ GD-ĐT vẫn luôn khẳng định thông tin cập nhật lên mạng rất quan trọng để thí sinh biết về cơ hội trúng tuyển của mình thì dường như các trường này khá thờ ơ.

Nếu những năm trước, thí sinh nộp hồ sơ xong chỉ cần chờ đến ngày trường thông báo mức điểm trúng tuyển thì năm nay, rất nhiều thí sinh dù đã nộp hồ sơ nhưng vẫn thấp thỏm không yên vì còn chờ thông tin xét tuyển từ các trường. Nhiều thí sinh cho biết luôn sẵn sàng rút hồ sơ nếu thấy số thứ tự của mình “tụt hạng” trên bảng thống kê thí sinh nộp nguyện vọng 2 của trường.

Lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng theo quy định của bộ, giai đoạn từ sau ngày 5 đến 10-9 sẽ là cao điểm thí sinh rút – nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển. Quy định không giới hạn số lần nộp – rút hồ sơ này cũng đang khiến một số cán bộ tuyển sinh lo ngại. Theo ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng, quy định người nhà có thể dùng giấy ủy quyền đến rút hồ sơ cho thí sinh dễ xảy ra tiêu cực bởi trên thực tế, cán bộ tuyển sinh khó xác định độ tin cậy của giấy ủy quyền.

Ông Lê Trọng Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Mỏ - Địa chất, cho rằng thông tin cụ thể được công khai trên trang web của trường giúp thí sinh tự kiểm soát được cơ hội trúng tuyển của mình. Tuy nhiên, nếu không làm chặt khâu rút - nộp hồ sơ, cho phép người nhà hoặc người quen đến làm thủ tục thì rất dễ xảy ra sai sót, có thể dẫn đến khiếu nại sau này. Vì vậy, Trường ĐH Mỏ - Địa chất đã quy định chỉ khi thí sinh mang đầy đủ giấy tờ, trong đó nhất thiết phải có CMND, mới được rút hồ sơ để tránh những rắc rối phát sinh.

Yến Anh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo