Ngày 30-8, sau gần một tuần nhận nguyện vọng 2, nhiều ngành học tại các trường ĐH mới chỉ nhận được lượng hồ sơ ít ỏi. Khả năng năm nay sẽ có thêm nhiều ngành học phải đóng cửa.
Các ngành xã hội thưa thớt
Năm ngoái, Trường ĐH Văn Hiến phải đóng cửa ngành văn hóa học do không tuyển sinh được. Năm nay, một số ngành xã hội của trường này tiếp tục gặp khó khi mới chỉ có 1 hồ sơ nộp vào ngành văn học, 3 hồ sơ vào ngành xã hội học. Các ngành tâm lý học, ngôn ngữ Anh, Đông phương học cũng mới chỉ nhận được trên dưới 10 hồ sơ/ngành. Riêng ngành kỹ thuật điện-điện tử chưa có hồ sơ nào. Các trường ĐH tỉnh, ĐH vùng lại càng đìu hiu hơn. Tại ĐH Huế, hầu hết các ngành xã hội như Đông phương học, ngôn ngữ học, xã hội học, tâm lý giáo dục học, lịch sử ngôn ngữ Pháp, kỹ thuật trắc địa bản đồ, sư phạm tiếng Pháp mới chỉ nhận được 1 hồ sơ/ngành. Các ngành Việt Nam học, ngôn ngữ Pháp, công nghiệp và công trình nông thôn, chỉ mới nhận được vẻn vẹn 2 hồ sơ/ngành. Tại ĐH Đà Nẵng, ngành Việt Nam học tuyển 28 chỉ tiêu nhưng chưa nhận được hồ sơ nào; ngành văn hóa học tuyển 46 chỉ tiêu nhưng mới có 2 hồ sơ; ngành sư phạm giáo dục chính trị có 46 chỉ tiêu nhưng hiện mới nhận được 1 hồ sơ; ngành địa lý 28 chỉ tiêu nhưng mới chỉ nhận được 2 hồ sơ…
E dè công - nông
Nhiều ngành kỹ thuật, công nghệ cũng vắng vẻ khi số lượng hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2 rất ít. Tại Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, dù chỉ tiêu tuyển các ngành từ 50-100 thí sinh nhưng hiện nhiều ngành kỹ thuật công nghệ như công nghệ kỹ thuật điện, công nghệ kỹ thuật cơ khí, công nghệ hóa dầu chỉ mới nhận được 7-8 hồ sơ. Trường ĐH Nông Lâm TPHCM đã nhận được gần 600 hồ sơ nhưng đa phần là hồ sơ đăng ký xét tuyển vào hệ CĐ. Các ngành ĐH như nông học, chăn nuôi - thú y, lâm nghiệp, khoa học cây trồng… hiện mới chỉ nhận được vài hồ sơ/ngành.
Ông Nguyễn Văn Thư, Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM, cho rằng với quy chế cho phép thí sinh rút hồ sơ nhiều lần, thí sinh sẽ canh trên mạng để chờ xem ngành nào ít hồ sơ mới nộp vào và những ngành hồ sơ vượt chỉ tiêu nhiều thì sẽ rút ra. Do đó, những ngày cuối, việc xét tuyển mới “nóng” khi thí sinh ồ ạt rút - nộp hồ sơ. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cũng dự báo thí sinh sẽ tập trung nộp hồ sơ vào những ngày cuối. Đó đang là hy vọng của nhiều trường để tránh một mùa tuyển sinh thất thu.
Theo các chuyên gia tuyển sinh, điểm sàn năm nay tương đương năm ngoái nhưng mặt bằng chung điểm khối C thấp khiến số thí sinh đạt điểm sàn trở nên hiếm hoi. Do vậy, nhiều khả năng các ngành xã hội có tuyển khối C sẽ rất khó khăn trong việc tuyển đủ chỉ tiêu. |
Bình luận (0)