Cô giáo đặc biệt nhất đời tôi là mẹ tôi - Phạm Thị Yến - giáo viên Trường THCS 19/5 huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La). Chính sự bình dị của cô, những việc cô làm có ảnh hưởng lớn tới suy nghĩ và sự trưởng thành của tôi.
Ân cần, bao dung
Cô có thâm niên theo nghề hơn 16 năm. Khi tôi chưa được sinh ra cô đã công tác tại một ngôi trường mà cô kể 100% là con em bà con các dân tộc. Nơi mà bao năm bà con chăm chỉ canh tác thì cái nghèo vẫn cứ đeo bám cuộc sống của họ, đeo bám vào khuôn mặt, trang phục thiếu thốn của các bạn học sinh cô dạy. Những năm đầu mới vào công tác, giao thông đi lại khó khăn nên cứ 2 tuần cô về nhà. Sau này khi tôi ra đời, đường đi thuận tiện hơn, cô giáo của tôi hằng ngày đi về quãng đường hơn 60 km để chăm sóc gia đình cùng cô công chúa nhỏ là tôi khi ấy. Ngày nào cô cũng đều khoác lên mình bộ quần áo mưa mà cô nói là "tấm áo giáp" bảo vệ cô khỏi nắng, mưa, gió, bụi.
Năm tôi vào lớp 1, nhìn xung quanh tôi thấy các bạn ngoài cầm quả bóng bay thì hầu hết tay kia bạn nào cũng có mẹ hoặc bố đưa đến trường. Còn tôi, đã được cô giáo của tôi gửi đi từ sớm với mẹ bạn hàng xóm để cô còn phải đến trường cô dạy, đón học sinh lớp cô chủ nhiệm. Tôi òa khóc vì tủi thân. Cũng từ đó đến nay là 7 năm tôi cùng em gái nhỏ đã quen với hình ảnh vội vã của cô vào sáng 5-9 hằng năm.
Mùa đông năm đó, không như mọi ngày, trời đã gần tối tôi vẫn ngồi ghế đá sân trường, các bạn dần về hết và chỉ còn mình tôi. Tôi bắt đầu sợ hãi, nước mắt chảy dài, may sao có bác bảo vệ vẫn chưa về, bác an ủi: "Hôm nay, chắc mẹ bận họp đột xuất lên về muộn một chút, bác sẽ chờ mẹ cùng con". Gần 18 giờ 30 phút tôi mới thấy cô xuất hiện cùng con ngựa sắt dính đầy bùn đất. Cô ôm tôi vào lòng, xin lỗi rối rít và cảm ơn bác bảo vệ, tôi khóc nức nở. Cô phân trần với bác bảo vệ sự chậm trễ của mình. Hóa ra vì phải đến nhà một học sinh lớp cô để vận động bạn ấy đi học, nhà bạn ấy ở bản xa cách trường 11 km, lúc cô quay ra thì trời mưa đường lầy lội, không về kịp đón tôi. Điện thoại cô lại hết pin không gọi được để nhờ cô giáo chủ nhiệm của tôi.
Cô giáo Phạm Thị Yến đang soạn bài. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Bài học về lòng yêu thương, vị tha
Gần 8 năm đi học là từng ấy năm tôi được nhận thật nhiều bài giảng của các thầy cô ở trường. Đến khi về nhà, tôi lại được hưởng một "đặc ân" mà nhiều bạn không có được đó là trở thành "học sinh đặc biệt" ở lớp học chỉ có tôi và cô.
Dù sáng sớm cô cùng tới trường đến sẩm tối mới về nhưng không ngơi nghỉ mà lại ngồi vào bàn nhẫn nại giảng giải cho tôi những bài học tôi chưa hiểu. Khi tôi hoàn thành các bài tập, lên giường đi ngủ cô mới ngồi vào bàn chuẩn bị bài mới cho những buổi lên lớp. Đôi khi bất chợt tỉnh giấc, nhìn ánh sáng từ góc phòng tôi không biết là mấy giờ, chỉ biết rằng mình cũng ngủ được một giấc, cô vẫn ngồi làm việc. Cảm giác thương cô trào dâng. Tôi tự hứa với chính mình phải luôn cố gắng để không làm cô buồn.
Cuối năm học lớp 3, tôi tham gia kỳ thi học sinh giỏi để vào lớp chọn của trường. Sự tự tin của tôi sau khi làm bài khiến cô rất yên tâm. Vậy mà tôi đã trượt lớp chọn vì sự chủ quan. Nghĩ đến sự thất vọng khi đối diện với cô chiều hôm ấy, tôi chẳng có tâm trí nào nhập tâm vào lời cô giáo giảng. Thế mà, khi cô đến đón, nghĩ cô chưa biết kết quả tôi định nói luôn, cô đã cười thật tươi cho tôi bớt phần hụt hẫng: "Bạn Nam vừa nói cho mẹ biết kết quả của con rồi, không sao. Học lớp thường cũng tốt mà, con hãy coi thất bại này là bài học để sau này cố gắng. Mẹ không buồn đâu".
Mỗi lần tôi tự ti và không có lòng tin vào bản thân, cô đều vỗ về và khích lệ tôi: "Con gái mẹ giỏi mà, chỉ cần con tin mình làm được mẹ tin con sẽ thành công. Sự nhụt chí sẽ khiến con cảm thấy mọi thứ tồi tệ hơn. Vậy tại sao thay vì sự sợ hãi con không thử khẳng định chính mình?".
Có lẽ nhờ sự khích lệ, động viên của cô mà cuối năm học 2019 - 2020 tôi đã thi đỗ trường chuyên của huyện nhà, ngôi trường đó chính là Trường THCS Chất lượng cao tôi đang theo học. Có được thành quả ấy phần lớn là nhờ công lao của cô. Cô khiến tôi từ một cô bé ít nói, ngại giao tiếp trở nên tự tin và hoạt bát hơn. Từ một cô bé sợ học tiếng Anh thì giờ đây tôi có thể chăm chú và thường đặt những câu hỏi "tại sao" với cô bạn thân giỏi ngoại ngữ mỗi khi không hiểu bài, bởi: "Không ai cười khi con học dốt, mà họ sẽ cười khi con giấu dốt". Nhờ sự động viên khích lệ và những lần cô rút kinh nghiệm mà năm lớp 6 tôi đoạt giải khuyến khích, năm học lớp 7 vừa qua tôi đoạt giải nhì học sinh giỏi cấp huyện môn ngữ văn.
Cô không chỉ dạy tôi kiến thức trong sách vở mà còn dạy tôi cùng em gái bài học của tình yêu thương, lòng vị tha. Cô dạy tôi hiểu thế nào là sự sẻ chia, lòng biết ơn, sự kính trọng, sống thật thà, có trách nhiệm.
Có lần tôi đi chợ cùng cô, thấy một ông cụ ăn xin đang lê mông trên nền đất, một tay cầm ca xin người đi chợ chút tiền lẻ. Cô dừng xe đưa tôi tờ tiền rồi yêu cầu tôi xuống xe bỏ tiền vào ca cho cụ. Tôi nhìn cô với ánh mắt thắc mắc. Về nhà tôi chưa kịp hỏi cô vì sao tôi phải xuống xe trong khi trước đó có rất nhiều cô chú vẫn ngồi trên xe thả tiền vào ca cho cụ. Cô chậm rãi: "Cũng là sự sẻ chia nhưng mẹ muốn con bày tỏ sự kính trọng với những mảnh đời kém may mắn…". Một điều thật nhỏ nhưng tôi thêm hiểu câu: "Của cho không bằng cách cho…"
Tôi rất muốn gửi lời tri ân tới những thầy cô giáo vùng cao trong đó có cô - người tôi gọi là mẹ, người tôi yêu quý và trân trọng suốt đời.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)