Đại diện các sở GD-ĐT cho rằng nguyên nhân giảm có thể do số lượng học sinh lớp 12 giảm. Tuy nhiên, thống kê của Cơ quan Đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM đối với thí sinh tự do cũng vẫn cho thấy số hồ sơ đăng ký dự thigiảm gần 2.000 bộ so với năm ngoái.
Nhiều trường ĐH năm trước “được mùa” thì năm nay, số lượng hồ sơ giảm đáng kể như Trường ĐH Công nghiệp TPHCM giảm gần 40.000 bộ, Trường ĐH Kinh tế TPHCM giảm khoảng 7.000 bộ, Trường ĐH Y Dược giảm 3.000 bộ, Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM giảm hơn 2.000 bộ... Đáng lưu ý, trong khi hệ ĐH số lượng hồ sơ đăng ký dự thi ít đi thì hệ CĐ lại tăng vọt. Trường CĐ Công Thương TPHCM tăng 3.000 bộ, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng tăng hơn 3.000 bộ; Trường CĐ Bách Việt tăng 4.000...
Nhiều chuyên gia giáo dục nhận định việc số lượng hồ sơ đăng ký dự thi ĐH giảm có thể do thí sinh đã biết cân nhắc khả năng của mình nên chỉ chọn 1-2 trường, chứ không nộp ồ ạt như trước đây. Điều này có thể ghi nhận công tác tư vấn hướng nghiệp đã dần có hiệu quả.
Trong khi các trường ĐH mở ra ngày càng nhiều mà lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào hệ này ngày càng giảm chứng tỏ vào ĐH không còn là lựa chọn duy nhất mà học sinh nào cũng mơ ước như trước đây. Chất lượng đào tạo trôi nổi của không ít trường ĐH ngoài công lập, tỉ lệ cử nhân ra trường thất nghiệp ngày càng tăng, không ít người có tấm bằng ĐH phải đi làm công nhân, phục vụ bàn...để kiếm sống.
Thực tế phũ phàng này không còn là chuyện lạ khi các đơn vị tuyển dụng không cần tấm bằng cử nhân mà chỉ đòi hỏi năng lực thực sự. Không ít người đã tỏ ra tiếc nuối sau 4-5 năm học ĐH nhưng kiến thức không áp dụng được trong công việc thực tế. Và như thế, con đường ĐH quá uổng phí đối với họ.
Trường ĐH phải khẳng định thương hiệu của mình bằng chất lượng đào tạo để cung cấp cho xã hội những cử nhân ra trường làm được việc. Giảm số lượng nhưng tăng chất lượng, đó là mong muốn của toàn xã hội đối với giáo dục ĐH hiện nay.
Bình luận (0)