Phát biểu tại buổi làm việc với Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao và chúc mừng ĐHQGHN về những thành tích đạt được trong thời gian qua.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị ĐHQGHN gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học
Thủ tướng nêu rõ Việt Nam xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả. Muốn vậy phải có kiến thức, tri thức, giao lưu học hỏi phù hợp hoàn cảnh, điều kiện đất nước. Vấn đề đặt ra là phải đào tạo nguồn nhân lực nghiên cứu cơ bản, nhân lực liên quan đến quản lý, thực hành, ứng dụng để bảo đảm toàn diện, bao trùm, tổng thể nhưng phải cân bằng điều kiện phát triển đất nước; đẩy mạnh đào tạo các kỹ sư nghiên cứu ứng dụng về chip, vi mạch.
Theo Thủ tướng, việc đào tạo cần tập trung vào các ngành đang có xu thế trên thế giới, phát triển bền vững, phải đi đúng hướng, phù hợp hoàn cảnh, con người Việt Nam. Xuyên suốt quá trình này vẫn là con người, phải có giáo dục, học tập, phát huy được hết tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, do đó phải đi thẳng vào những lĩnh vực mũi nhọn và xu thế mà thế giới đang tập trung phát triển. Đó là chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, đổi mới sáng tạo và bảo vệ môi trường.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm triển lãm giới thiệu các sản phẩm công nghệ độc đáo của ĐHQGHN.
Thủ tướng đề nghị ĐHQGHN tập trung làm tốt một số nội dung, trong đó có việc tiếp tục phát huy bề dày lịch sử, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển đồng thời cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội - nhân văn, khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng, nguồn nhân lực chất lượng cao; tập trung giải quyết những vấn đề lớn, luôn thể hiện khát vọng vươn lên, tập trung phát triển đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên chất lượng cao, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, sớm hoàn thành dứt điểm nhiệm vụ xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc, hình thành một khu đô thị đại học xanh, hiện đại, thông minh, ngang tầm khu vực theo mô hình "5 trong 1"; tăng cường hợp tác công tư trong đào tạo và mạnh dạn làm thí điểm….
Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân cho biết ĐHQGHN hiện đã cơ bản hoàn thiện mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực theo định hướng của Chính phủ với 9 trường đại học, 5 viện nghiên cứu thành viên và 22 đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học, dịch vụ trực thuộc.
Thủ tướng thăm giờ học văn hóa quốc tế có sinh viên nước ngoài theo học tại ĐHQGHN
Trong số 2.251 giảng viên cơ hữu của ĐHQGHN có 62 GS và 414 PGS, chiếm tỉ lệ 20%; tỉ lệ cán bộ khoa học có trình độ tiến sĩ, tiến sĩ khoa học trên tổng số giảng viên cơ hữu của là 66%; số bài báo quốc tế trong hệ thống ISI/SCOPUS không ngừng gia tăng theo các năm (từ 400 bài năm 2012 lên khoảng 1.600 bài năm 2022).
Tháng 5-2022, ĐHQGHN chính thức chuyển trụ sở làm việc tới Hòa Lạc. Cơ sở vật chất tại đây đủ điều kiện, trang thiết bị đáp ứng quy mô đào tạo 6.000 sinh viên hiện nay và đang được nâng cấp hướng tới phục vụ 25.000 sinh viên vào năm 2025. Năm học 2022-2023, ĐHQGHN tổ chức Lễ Khai giảng đầu tiên đón sinh viên chính quy tới học tập, sinh hoạt tập trung tại Hòa Lạc; tới nay đã có 24/36 đơn vị trong ĐHQGHN chuyển trụ sở lên đây làm việc.
Đặc biệt, ĐHQGHN là một trong các đơn vị tiên phong, có năng lực tham gia, dẫn dắt hoạt động đào tạo, nghiên cứu và phát triển ứng dụng về công nghiệp thiết kế vi mạch tích hợp bán dẫn. Mỗi năm, ĐHQGHN cung cấp cho thị trường lao động gần 1.200 sinh viên có chuyên môn liên quan đến thiết kế vi mạch, nâng tổng số sinh viên đã tốt nghiệp các ngành này đến nay lên trên 12.000 người.
Then chốt là đào tạo nguồn nhân lực số
Cùng ngày, làm việc tại Trường ĐH FPT, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặc biệt quan tâm và đặt câu hỏi về ngành đào tạo tại Đại học FPT cũng như điều kiện sinh hoạt học tập của các bạn tại Trường.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận hoa của sinh viên Trường ĐH FPT
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định FPT là doanh nghiệp tiên phong về chuyển đổi số tại Việt Nam từ những năm 2016.
"Tập đoàn FPT đã đi đúng hướng, cần tiếp tục tập trung phát triển Công nghệ thông tin, phát triển lên Công nghệ số, thiết kế sản xuất chip và đi theo đó là đào tạo nguồn nhân lực. Qua những bước thăng trầm và đột phá, con đường FPT đi theo phát triển CNTT, thiết kế phát triển phần mềm, sản xuất chip là con đường đi đúng đắn nhất, phù hợp với FPT, phù hợp với xu thế của thế giới, hoàn cảnh của đất nước ta, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và gắn với sự hội nhập quốc tế sâu rộng" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Bình luận (0)