Ngày 22-12, một lãnh đạo trường THPT trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phản ánh việc không đồng tình khi Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các trường đóng 4,5 triệu đồng cho 3 người tập huấn trực tuyến.
"Đã gần hết năm, một số trường đã hết kinh phí chi thường xuyên nên không có nguồn kinh phí. Bên cạnh đó, tập huấn trực tuyến cả trăm người nhưng mỗi ngày 1 người phải đóng 500.000 đồng học phí là quá cao" - vị này nói.
Văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk về việc tập huấn viết tin, chụp ảnh
Trước đó, ngày 16-12, bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk, đã ký văn bản cho thấy sở phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức khóa bồi dưỡng viết tin, chụp ảnh và biên tập cho trang tin điện tử của các đơn vị trực thuộc sở.
Cụ thể, mỗi đơn vị cử hiệu trưởng, 1 phó hiệu trưởng và 1 viên chức phụ trách công tác truyền thông của nhà trường tham gia tập huấn. Thời gian tổ chức trong 3 ngày, từ 23 đến 25-12, hình thức tập huấn trực tuyến qua công cụ Zoom với kinh phí 1,5 triệu đồng/học viên. Các đơn vị gửi học phí (bồi dưỡng và cấp giấy chứng nhận) về Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn trước ngày 23-12 qua số tài khoản.
Lãnh đạo một trường THPT trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cho biết công văn nêu rõ thành phần, số lượng tham gia tập huấn là bắt buộc chứ không phải theo nhu cầu của trường. Do đó, nhà trường đã đăng ký 3 người tham gia tập huấn theo đúng chỉ đạo.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk, cho biết nhằm nâng cao công tác truyền thông của các trường học theo kế hoạch, vừa qua, sở có văn bản gửi các trường về việc tham gia tập huấn. Tuy nhiên, văn bản mang tính chất thông báo để trường nào có điều kiện thì tham gia, không bắt buộc tất cả.
Khi phóng viên thắc mắc công văn nêu rõ, yêu cầu tất cả các trường phải thực hiện, ông Khoa cho rằng nói vậy chứ không bắt buộc. Có trường đã tham gia tập huấn rồi, hoặc cá nhận tự đi học rồi thì không cần phải tham gia. Còn học phí, các trường lấy từ nguồn chi thường xuyên và chuyển khoản về Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, sở không can thiệp.
Trả lời câu hỏi vì sao sở không đứng ra mở lớp tập huấn rồi mời giảng viên cho giảm chi phí, ông Khoa cho biết: "Chủ trương không phải bắt buộc, trường nào khó khăn hoặc tập huấn rồi hoặc không có nhu cầu thì thôi. Riêng vấn đề kinh phí, tôi sẽ làm việc lại với bộ phận tham mưu xem hợp lý chưa".
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện Đắk Lắk có hơn 50 trường THPT. Nếu các trường tham gia đầy đủ thì phải chi hàng trăm triệu đồng cho 3 ngày tập huấn trực tuyến.
Bình luận (0)