Các khách mời tại hội nghị
Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị khoa học đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường ĐH Luật TP HCM đáp ứng nhu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.
Tại hội nghị, PGS-TS Bùi Xuân Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP HCM, cho biết Trường ĐH luật TP HCM và Trường ĐH Luật Hà Nội là 2 cơ sở đào tạo luật uy tín được xã hội công nhận. Tuy nhiên, các yếu tố cơ bản bên ngoài đang ảnh hưởng đến hoạt động đào tạo của trường.
Nói rõ hơn, ông Hải cho rằng chính sự dễ dãi trong cấp phép mở ngành đào tạo Luật đã làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Cụ thể, Thông tư 24/2017/TT-BGDĐT quy định điều kiện về giảng viên để mở ngành là chỉ cần ít nhất 10 giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ trở lên cùng ngành hoặc ngành gần với ngành đăng ký đào tạo, trong đó ít nhất 1 tiến sĩ và 4 thạc sĩ, hoặc 2 tiến sĩ và 2 thạc sĩ cùng ngành đăng ký đào tạo.
Ngoài ra, sự phát triển quá "nóng" của số lượng các cơ sở đào tạo về luật ở Việt Nam. Cách đây 30 năm, cả nước chỉ có 4 cơ sở đào tạo về luật thì đến đầu năm 2020 lên tới 91 cơ sở (trong đó có 34 cơ sở ngoài công lập) được đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp trình độ ĐH về luật.
Việc dễ dãi trong tuyển sinh và thiếu nghiêm túc trong quá trình đào tạo, kèm theo học phí thấp đã khiến cuộc cạnh tranh trong đào tạo về luật là "cạnh tranh xuống đáy" làm ảnh hưởng xấu đến nền tư pháp cũng như mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền của đất nước.
PGS-TS Trần Hoàng Hải, quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP HCM, cho biết trong bối cảnh cạnh tranh trường cũng gặp không ít khó khăn khi các giảng viên giỏi rời trường để đến các trường khác vì lời mời chào hấp dẫn hơn, áp lực về tài chính để giữ chân giảng viên giỏi… Những năm vừa qua, trường từng bước thực hiện tự chủ, năm 2021 thì tự chủ hoàn toàn, trường không còn nhận ngân sách nhà nước. Nguồn thu chính của trường là từ học phí nên để tăng nguồn thu là vấn đề khó khăn.
Trong chiến lược phát triển thời gian tới, Trường ĐH Luật TP HCM sẽ chú trọng phát triển đào tạo theo hướng đa ngành dựa trên nền tảng ngành đào tạo truyền thống về lĩnh vực pháp luật, đổi mới chương trình đào tạo, quốc tế hóa một số chương trình đào tạo; đổi mới phương pháp giảng dạy để đáp ứng nhu cầu người học, tăng cường kiểm định trong nước và kiểm định nước ngoài để chuẩn hoá chương trình đào tạo.
Bình luận (0)