Sáng 3-12, Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM đã tổ chức hội thảo khoa học "Văn hóa - Giáo dục TP HCM trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và cách mạng công nghiệp lần thứ 4". Nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu tại hội thảo nhận định: Trong bối cảnh hội nhập, để có nguồn nhân lực chất lượng cao, mang tầm quốc tế thì việc đào tạo phải bắt đầu từ bậc phổ thông.
TP HCM vẫn còn nhiều rào cản
Báo cáo tham luận của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM cho thấy TP HCM là địa phương đi trước trong cả nước trong việc thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xây dựng TP thông minh, đô thị sáng tạo… Hiện nay mạng lưới trường lớp ở các ngành học, bậc học được phủ khắp 24 quận, huyện với quy mô ngày một tăng. Dù gặp áp lực về dân cư nhưng TP vẫn bảo đảm cơ bản trường, lớp cho học sinh học tập. Tuy nhiên, TP cũng gặp không ít khó khăn, hạn chế. Cụ thể là một số quy định của trung ương chưa phù hợp với thực tiễn TP nên khi triển khai gặp những bất cập, khó khăn. Hiện vẫn chưa có định biên và chế độ, chính sách phù hợp, thu hút đối với giáo viên ngoại ngữ, tin học cấp tiểu học, giáo viên tư vấn tâm lý, giám thị, nhân viên y tế trường học và kế toán. Những lực lượng có vai trò đặc biệt quan trọng trong nhà trường và trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Các đại biểu trao đổi tại hội thảo
Nhiều ý kiến tại hội thảo nhận định, đào tạo nhân lực trình độ quốc tế là yêu cầu chiến lược. Thế nhưng những rào cản trong quá trình đào tạo không nhỏ. Chẳng hạn như trình độ và năng lực tiếng Anh của cán bộ, quản lý, giáo viên các đơn vị vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của hội nhập quốc tế.
Theo Sở GD-ĐT TP, sự thiếu hụt nhân lực sử dụng thông thạo một số thứ tiếng khác như Pháp, Đức, Thái Lan… đã tạo ra rào cản ảnh hưởng đến quá trình hội nhập quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa, công nghệ số đang lớn mạnh và thâm nhập vào mọi hoạt động, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Bên cạnh đó, hiện nay việc quản lý các trường phổ thông có yếu tố nước ngoài vẫn còn bất cập. Việc giáo dục đạo đức, văn hóa truyền thống dân tộc cho học sinh Việt Nam học tại các trường quốc tế còn hạn chế.
Từ những rào cản đó, giải pháp mà sở này đưa ra là xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao từ các trường phổ thông. Theo lý giải của Sở GD-ĐT TP, thực tế cho thấy các trường phổ thông là nguồn cung cấp người học cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng như các trường ĐH. Do vậy, chất lượng nguồn nhân lực sau khi đào tạo chịu ảnh hưởng không nhỏ từ chất lượng đào tạo của các trường phổ thông. Từ đó có thể thấy rằng việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao được xem xét đầu tư từ việc dạy và học tại các trường phổ thông.
Đa dạng hóa loại hình trường chuyên
ThS Trần Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu đào tạo kinh tế quốc tế, cho biết thách thức lớn nhất đối với lĩnh vực lao động việc làm trong thời đại 4.0 hiện nay là Việt Nam có cơ cấu lao động lạc hậu, trình độ thấp, thiếu nghiêm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao, lực lượng lao động của nước ta hiện nay chủ yếu là lao động giản đơn, trình độ thấp. "Với chất lượng nguồn nhân lực như vậy, tiếp cận thời đại 4.0 là thách thức lớn đối với Việt Nam" - ông Tuấn cho biết.
Từ thực tế đó, các ý kiến của chuyên gia tại hội thảo cũng nhận định hiện nay giáo dục phổ thông cần mở rộng và đa dạng hóa các loại hình trường chuyên. Ngoài các trường phổ thông chuyên các môn văn hóa như hiện nay, nên khuyến khích và thành lập các trường phổ thông chuyên về các môn kỹ thuật nghề nghiệp, nghệ thuật, thể thao. Thông qua đó có thể đào tạo được các học sinh chuyên kỹ thuật nghề nghiệp, chuyên nghệ thuật, chuyên thể thao… từ lúc còn là học sinh phổ thông, góp phần nâng cao chất lượng nhân lực quốc gia.
TS Hồ Thiệu Hùng, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết những đổi thay của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đem lại cho giáo dục phổ thông rất lớn. Tuy nhiên, thách thức trong việc cung cấp kiến thức phổ thông, hình thành năng lực thiết yếu và phẩm chất cần có của người lao động Việt Nam trong thời đại 4.0 vẫn rất gay gắt. Giáo dục phổ thông cần giải quyết hợp lý các mối quan hệ để phát triển bền vững. Đó là quan hệ giữa dạy học truyền thống với dạy học trực tuyến, yêu cầu phát triển giáo dục với hạn chế về nguồn nhân lực của nhà nước…
Trong khi đó, theo TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM, thời đại 4.0 đòi hỏi giáo dục phải thay đổi không ngừng và nhân tố quan trọng nhất chính là con người. Điều này đặt ra yêu cầu mỗi giáo viên, học sinh phải nỗ lực không ngừng, tự học, tự bồi dưỡng...
TÀI TRỢ CHÍNH "ĐƯA TRƯỜNG HỌC ĐẾN THÍ SINH" 2020
Bình luận (0)