Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai chương trình đào tạo song bằng tại trường công lập. Đây là chương trình chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) và chương trình quốc tế Cambridge - IGCSE.
Học phí 5,6 triệu đồng/tháng
Bảy trường THCS công lập của Hà Nội sẽ được đào tạo song bằng gồm Cầu Giấy, Nghĩa Tân, Trưng Vương, Chu Văn An, Thanh Xuân, Ngô Sĩ Liên và lớp 6 của Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam. Mỗi trường được tuyển 2 lớp với sĩ số 25 học sinh/lớp.
Học sinh Trường THCS Cầu Giấy, Hà Nội - một trong 7 trường đầu tiên thí điểm đào tạo song bằng
Theo đánh giá của Sở GD-ĐT Hà Nội, đây là mô hình giúp người học có thể "du học tại chỗ". Chương trình song bằng cấp THCS sẽ giúp học sinh đạt chuẩn học thuật chương trình quốc tế Cambridge; cung cấp đầy đủ kiến thức và kỹ năng, tạo tiền đề vững chắc cho bậc học cao hơn và cho quá trình hội nhập quốc tế. Đây cũng là tiền đề để học sinh tiếp tục học lên trình độ cao hơn và tham gia các kỳ thi chuẩn hóa giám định bởi các tổ chức khảo thí quốc tế...
Tham gia đào tạo song bằng, sau khi hoàn thành bậc THCS, học sinh sẽ có bằng tốt nghiệp THCS; đạt trình độ tiếng Anh B1 (theo chuẩn CEFR); nắm bắt được kiến thức các môn toán, khoa học, tin học bằng tiếng Anh; có khả năng thi lấy chứng chỉ IGCSE và các chứng chỉ quốc tế khác (nếu học sinh có nhu cầu).
Hiện Sở GD-ĐT Hà Nội đang xây dựng đề án với mức học phí là 5,6 triệu đồng/tháng. Số tiền học phí này nhằm mục đích chi trả lương giáo viên, phí bản quyền và tài liệu, học liệu chương trình Cambridge, các trang thiết bị cơ sở vật chất, phòng học thí nghiệm… ở cấp THPT do TP đầu tư, cấp THCS được cấp quận, huyện đầu tư.
Tại Trường THPT Chu Văn An, nơi đã triển khai giảng dạy song bằng được 1 năm nay, học phí để học 5 môn chương trình Cambridge là 7,5 triệu đồng/tháng. Như vậy, tính cả 3 tháng học bổ trợ thì tổng số tiết học trong 24 tháng với số tiền phải bỏ ra khoảng 180 triệu đồng để có thể lấy được chứng chỉ A-level. Trong khi đó, các trường quốc tế trên địa bàn TP, học phí để học và lấy được chứng chỉ trên dao động từ 320-400 triệu đồng/năm.
Nỗi lo giáo viên, chương trình học nặng
Rất nhiều phụ huynh học sinh Hà Nội quan tâm đến việc thí điểm chương trình song bằng này. Do đó, nhiều băn khoăn được đặt ra trước khi các thí sinh tham dự kỳ thi tiếng Anh vào các lớp song bằng ngày 20-6 tới.
Chị Nguyễn Thu Vân, có con dự thi vào lớp song bằng Trường THCS Cầu Giấy, băn khoăn chương trình đào tạo này có phù hợp để học ở Việt Nam và có quá tải không khi học cùng một kiến thức bằng 2 ngôn ngữ (tiếng Anh và tiếng Việt). Hệ thống cơ sở vật chất, giáo viên và phương pháp dạy có đạt chuẩn quốc tế như chương trình của Cambridge?...
Một số chuyên gia cho rằng sản phẩm giáo dục là sản phẩm đặc biệt, nên dù chương trình có tuyệt vời thế nào đi nữa mà giáo viên không truyền tải được cho học sinh thì cũng không mang lại hiệu quả, gây lãng phí.
Thạc sĩ Đặng Minh Tuấn, Trung tâm Toán - Tiếng Anh (UberMath), người sở hữu chứng chỉ sư phạm ĐH Harvard (Mỹ) cũng như nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy cho học sinh và tập huấn giáo viên các trường THPT chuyên toàn quốc về dạy toán và khoa học bằng tiếng Anh, cho rằng dạy chương trình quốc tế không đơn thuần là dạy các môn toán hay các môn khoa học bằng tiếng Anh, mà quan trọng là giáo viên phải "ngấm" được tư tưởng của chương trình. Do đó, để đáp ứng được, họ cần có kiến thức và sự trải nghiệm. Các nội dung tập huấn, trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp, lên giáo trình, dạy thử phải được giáo viên thực hiện trước khi bước vào dạy chính thức.
Bà Lê Kim Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy, cho rằng cả giáo viên và học sinh sẽ phải đối mặt với khó khăn khi vừa phải hoàn thành chương trình Việt Nam vừa phải học chương trình Cambridge. Chương trình học rất nặng nên để học được đòi hỏi học sinh phải có sức khỏe tốt và sự tập trung cao. Thêm vào đó, học sinh không được học chương trình của Cambridge từ cấp tiểu học nên chưa có nền tảng kiến thức để học tiếp chương trình này ở cấp THCS.
Theo ông Đặng Minh Tuấn, một điểm khác biệt rõ rệt của chương trình Cambridge so với chương trình giáo dục đại trà ở Việt Nam là việc chia cấp học. Theo chương trình Cambridge, học sinh bắt đầu học từ 5 tuổi, cấp THCS được chia thành 2 mức độ, từ lớp 6-8 là một hệ, lớp 9-10 là một hệ, tiếp đó học sinh lớp 11-12 học theo chương trình A- level. Còn ở Việt Nam, chương trình THCS chỉ đến lớp 9. "Như vậy, nếu một trường THCS dạy theo hệ Cambridge sẽ phải hết lớp 10 hay theo hệ thống của Việt Nam? Nếu học chương trình quốc tế mà cái cũ vẫn diễn ra xung quanh thì sự thay đổi đó là nửa vời" - thạc sĩ Tuấn nhận định.
Khó khăn về cơ sở vật chất
Bà Lê Mai Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An, chia sẻ khó khăn nhất của thầy và trò nhà trường khi tham gia chương trình song bằng là hệ thống cơ sở vật chất với các phòng học chức năng, phòng thực hành, phòng thí nghiệm đáp ứng theo quy định của Cambridge. Theo chương trình này, các môn khoa học đòi hỏi học đi đôi với hành, với những yêu cầu về thực nghiệm và trải nghiệm, trong đó 40% số điểm thi là thực hành và các bài báo cáo về những thực hành.
Bình luận (0)