Nếu nhìn kỹ lại, chúng ta rất dễ nhận thấy đề thi và đáp án của môn địa lý trong kỳ thi ĐH vừa qua là không thể đánh giá được hết sự phân hóa về trình độ của thí sinh, mà điều này lại vô cùng cần thiết cho một kỳ thi tuyển sinh ĐH. Việc chấm bài cũng sẽ khó công bằng và dễ thiệt thòi cho các thí sinh khá giỏi, nhất là trong điều kiện nhiều giám khảo của kỳ thi này ít tiếp cận với chương trình và sách giáo khoa THPT.
Cụ thể, trong câu II phần 1b, để trả lời cho câu hỏi “Tại sao chăn nuôi bò sữa phát triển mạnh ở ven các TP lớn?”, đáp án viết: “... chủ yếu là do nhu cầu ngày càng nhiều về sữa và các sản phẩm từ sữa của người dân”. Đáp án như thế là không ổn. Dân nông thôn đông hơn dân thành thị kia mà! Nói là người dân thì phải được hiểu là dân cả nước chứ đâu có riêng gì dân thành thị? Nếu thí sinh trả lời là do công nghệ (nhà máy) chế biến và thị trường tiêu thụ tập trung của TP thì cho điểm thế nào? Lấy điểm đâu mà cho?
Khó chứng minh được Phần 2 của câu II đề yêu cầu “Chứng minh rằng duyên hải Nam Trung Bộ có nhiều thuận lợi về tự nhiên để phát triển kinh tế”. Đây là câu hỏi mà nếu dùng cho vùng Đông Nam Bộ hoặc đồng bằng sông Hồng thì mới phù hợp. Vì thực tế, điều kiện tự nhiên của vùng duyên hải Nam Trung Bộ chỉ thuận lợi cho việc phát triển tổng hợp kinh tế biển mà thôi, còn cho kinh tế nói chung thì không phù hợp (đất đai cằn cỗi, trừ vùng Tuy Hòa là khá màu mỡ, khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, khoáng sản không thực sự giàu có, sông ngòi và tiềm năng thủy điện không lớn, mực nước chênh lệch nhiều giữa hai mùa, tài nguyên rừng kém xa Tây Nguyên và Bắc Trung Bộ...). Đề ra như thế thì thí sinh làm sao chứng minh được? Cho nên, để phù hợp hơn, câu hỏi này phải đổi lại thành: “Trình bày những thuận lợi về tự nhiên để phát triển kinh tế ở duyên hải Nam Trung Bộ”. |
Bình luận (0)