Đề án Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp TP HCM giai đoạn 2011-2020 do UBND TP phê duyệt năm 2012 đặt mục tiêu tất cả học sinh phổ thông từ lớp 1 đến 12 đều được học tiếng Anh trong nhà trường với chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu sử dụng thực tế theo từng cấp độ tương ứng với lớp học và chuẩn quốc tế. Cụ thể, phải đạt các bậc trình độ như sau: tốt nghiệp tiểu học đạt cấp độ A1, THCS đạt cấp độ A2, THPT đạt cấp độ B1 theo khung chuẩn.
Theo đề án này, từ năm 2011-2012 triển khai dạy tiếng Anh theo chương trình mới của Bộ GD-ĐT cho khoảng 20% học sinh lớp 3 và mở rộng dần quy mô để đạt khoảng 70% vào năm học 2015-2016, 100% vào năm học 2018-2019. Bên cạnh đó, phấn đấu đến năm 2015, 100% các lớp học 2 buổi/ngày với sĩ số bình quân học sinh/lớp tiểu học: 35, THCS: 40, đồng thời bảo đảm 2 giáo viên/lớp trong giờ học ngoại ngữ. Để thực hiện giải pháp này, nhà trường cần phải có thêm số phòng học, đồng thời phải có gấp đôi số giáo viên dạy tiếng Anh.
Với những mục tiêu đặt ra, Sở GD-ĐT TP HCM đã triển khai các chương trình tiếng Anh khác nhau, trong đó có những chương trình nước ngoài như Cambridge. PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP HCM, cho rằng Sở GD-ĐT TP đã tham vọng quá lớn về việc nâng cao năng lực tiếng Anh cho học sinh bằng cách đưa các chương trình quốc tế vào giảng dạy. Điều này đã tạo tâm lý mơ hồ, ảo tưởng cho phụ huynh rằng chỉ có học các chương trình quốc tế thì sau này học sinh mới có thể đạt các chứng chỉ quốc tế, được quốc tế công nhận. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tham vọng đó đã không thể thực hiện.
Một nguyên giảng viên tiếng Anh Trường ĐH Sư phạm TP HCM nhận xét: “Sở GD-ĐT TP HCM đã khiến cho phụ huynh và học sinh nghĩ rằng chỉ có học chương trình nước ngoài, cụ thể là của Anh Quốc, thì mới giỏi, mới hay. Trong khi đó, tôi đã xem qua các chương trình này và thấy rằng chúng không phù hợp với học sinh, với văn hóa Việt Nam”.
Theo chuyên gia này, Bộ GD-ĐT cần đánh giá lại sách giáo khoa dạy tiếng Anh phổ thông hiện nay và tập trung xây dựng bộ sách này cho tốt. Không thể có sách nước ngoài dạy bậc tiểu học cho học sinh Việt Nam phù hợp bằng chính người Việt viết. “Tại Singapore, họ dạy các môn văn hóa bằng tiếng Anh nhưng tác giả hoàn toàn là người Singapore. Họ rất chú trọng việc dạy văn hóa của chính nước họ thông qua việc học tiếng Anh. Điều này chúng ta cần phải học hỏi” - chuyên gia này bày tỏ.
Thật khó có thể học tốt tiếng Anh khi cơ sở vật chất lẫn giáo viên chưa đáp ứng. Thực tế năm 2012, TP HCM chỉ có 4.534 giáo viên dạy tiếng Anh, 22.662 phòng học tiếng Anh. Để đáp ứng đòi hỏi của đề án, cần phải bổ sung 4.763 giáo viên, 4.904 phòng học vào năm 2015 và 6.941 giáo viên, 9.750 phòng học vào năm 2020. Như vậy, Sở GD-ĐT TP HCM phải tập trung mọi nguồn lực để nâng cao cơ sở vật chất phục vụ việc học tiếng Anh. Bên cạnh đó, cần phối hợp với các trường ĐH đào tạo, bồi dưỡng và bổ sung nguồn giáo viên đạt chuẩn thay vì vội vã triển khai các chương trình nước ngoài để rồi phải chịu cảnh dở dang, lãnh trái đắng như Cambridge hay chương trình tích hợp!
Bình luận (0)