Ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội, cho hay sở đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức sản xuất, phát sóng chương trình "Học trên truyền hình" trên kênh HTV1 (Đài Truyền hình Hà Nội).
Giáo viên chuyên môn cao
Các bài giảng trên truyền hình tiếp nối với bài mà học sinh đã học trước khi tạm nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19, do các giáo viên giàu kinh nghiệm và có chuyên môn cao giảng dạy, được thiết kế theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục hiện hành.
Học sinh lớp 9 được học 3 môn: ngữ văn, toán và tiếng Anh. Học sinh lớp 12 được học 9 môn: ngữ văn, toán, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân và tiếng Anh. "Sau mỗi buổi phát sóng, sở đều lắng nghe các ý kiến phản hồi của học sinh, giáo viên để hoàn thiện cả về hình thức, phương pháp và nội dung bài giảng. Ngay từ những buổi phát sóng đầu tiên, chúng tôi đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của học sinh. Hiện sở đang ưu tiên cho học sinh cuối cấp. Thời gian tới, căn cứ vào tình hình thực tế, có thể sở sẽ xây dựng chương trình dạy học trên truyền hình cho học sinh ở các khối lớp khác" - ông Quang cho biết.
TP HCM có gần 2 triệu học sinh từ mầm non đến THPT, mỗi năm có khoảng 80.000 thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT công lập và 70.000 em dự thi THPT quốc gia. Nhằm tạo điều kiện cho học sinh học tập kiến thức tại nhà trong thời gian được nghỉ vì dịch Covid-19, Sở GD-ĐT TP HCM đã phối hợp Đài Truyền hình TP HCM (HTV) phát sóng các chủ đề kiến thức dành cho học sinh lớp 9 và lớp 12 bắt đầu từ ngày 24-2.
Chương trình được phát sóng trên kênh HTV Key, buổi sáng sẽ phát kiến thức ôn tập môn toán, văn, tiếng Anh lớp 9 vào lúc 8 giờ, 9 giờ và 10 giờ. Buổi chiều, học sinh khối 12 sẽ được ôn tập nội dung môn toán, vật lý, hóa học vào lúc 14 giờ, 15 giờ và 16 giờ. Mỗi môn có thời lượng 45 phút, học sinh có thể xem lại trên trang web của đài truyền hình.
Tuy nhiên, do nguồn học liệu đã cũ, HTV Key tạm thời ngưng phát sóng các video tiếp theo. Trong tuần này, HTV sẽ tiếp tục làm việc với Sở GD-ĐT để làm mới nguồn học liệu và phát lại chương trình.
Một tiết dạy toán lớp 9 trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội. Ảnh: YẾN ANH
Gợi hứng thú, tinh thần tự học
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM), nhận định dạy trên truyền hình là giải pháp hữu hiệu trong giai đoạn này, học sinh có tinh thần tự học sẽ có thêm nhiều nguồn để tham khảo. Bên cạnh đó, hình thức này còn gặp nhiều khó khăn bởi không thể quản lý được số lượng học sinh tham gia, có những điểm học sinh chưa hiểu cũng không thể đặt câu hỏi. Đường truyền internet 2 tháng nay rất chập chờn, để đồng loạt các em đều học thì rất khó.
Một giáo viên của Trường THPT Yên Hòa (TP Hà Nội) chia sẻ việc giao bài tập cho học sinh qua email, Zalo, Facebook để học sinh làm bài và gửi lại cũng là một cách ôn tập nhưng hiệu quả chưa cao. Việc dạy học qua truyền hình giúp học sinh củng cố kiến thức cũ, cập nhật kiến thức mới với những giáo viên giỏi, nhiều kỹ năng sư phạm, thời gian học linh hoạt khiến học sinh khá hứng thú.
Sở GD-ĐT Hà Nội cũng vừa có văn bản chỉ đạo các nhà trường cần nghiêm túc duy trì liên lạc với gia đình học sinh, học sinh để hướng dẫn các em ôn tập, củng cố kiến thức, tự học qua các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, nhà trường; hướng dẫn học sinh lớp 8, 9, 11, 12 tham gia học tập có hiệu quả trên hệ thống học tập trực tuyến Hanoi Study. "Các trường cần quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn học sinh lớp 9 và lớp 12 học tập trên truyền hình bảo đảm chất lượng, nền nếp. Các phòng GD-ĐT, nhà trường triển khai tới tất cả giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh lịch phát sóng hằng tuần, nội dung dạy trên truyền hình" - Sở GD-ĐT Hà Nội nêu rõ.
Ngoài ra, căn cứ vào điều kiện cụ thể, nhà trường có thể tiến hành dạy học online cho học sinh. Tuy nhiên, nhà trường cần xây dựng kế hoạch, thẩm định nội dung các bài giảng theo đúng quy định. Quá trình tổ chức dạy học online phải bảo đảm tính khoa học, tính sư phạm, có chất lượng và không được thu bất kỳ khoản tiền nào của học sinh, phụ huynh học sinh, kể cả việc ban đại diện cha mẹ học sinh huy động đóng góp để hỗ trợ nhà trường, giáo viên. Nhà trường chịu trách nhiệm quản lý chặt chẽ việc giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn hướng dẫn học sinh tự học và tổ chức dạy học online.
Khó giám sát người học
Trước những băn khoăn về chất lượng học qua truyền hình, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT - thừa nhận những khó khăn trong việc giám sát quá trình học của học sinh khi học qua truyền hình. Sự tương tác giữa người dạy và người học khi dạy học trên truyền hình bị hạn chế.
Vì thế, theo ông Thành, các địa phương sẽ buộc phải hướng dẫn, lựa chọn kỹ giáo viên để thiết kế bài giảng, tổ chức dạy học, làm sao để giáo viên giảng bài đến đâu thì học sinh hiểu đến đó vì các em không có điều kiện nêu thắc mắc và đặt câu hỏi trực tiếp.
Ngoài ra, phải xây dựng kế hoạch dạy học rõ ràng theo từng lớp, từng môn để thông báo rộng rãi cho tất cả học sinh, phụ huynh sắp xếp thời gian học tập phù hợp…Ông Thành cũng cho rằng điều quan trọng nhất chính là các trường phải hướng dẫn, yêu cầu giáo viên từng lớp, từng môn cùng tham dự giờ học trên truyền hình với học sinh, để sau đó hướng dẫn học sinh của mình thực hiện các yêu cầu của bài học, đồng thời giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của học sinh, chấm chữa bài tập cho các em…
Sử dụng nhiều phương tiện
Tại Trường THCS Lương Thế Vinh (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), ngay từ khoảng giữa tháng 2, nhà trường đã xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh trong đợt nghỉ học phòng dịch Covid-19. Theo đó, các giáo viên sẽ triển khai ôn tập cho học sinh qua các phương tiện như website, fanpage của trường hoặc nhóm các em lập thành từng nhóm thông qua Zalo, Facebook. Các môn học được nhà trường triển khai tổ chức là toán, vật lý, hóa học, sinh học và ngữ văn. Ở mỗi môn, giáo viên hệ thống lại những kiến thức cơ bản và sau đó cho bài tập để học sinh thực hiện.
Sở GD-ĐT tỉnh Trà Vinh cũng tổ chức ôn luyện cho học sinh lớp 9 bằng cách phát sóng trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Trà Vinh. Các nội dung bài giảng sẽ được đăng tải trên website của sở.
C.Linh
Phân công giáo viên quản lý học sinh
Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở GD-ĐT chỉ đạo các nhà trường phân công giáo viên giao nhiệm vụ học tập theo nội dung bài học và hướng dẫn học sinh thực hiện các buổi học qua internet, trên truyền hình; phối hợp với gia đình học sinh có biện pháp quản lý hoạt động học của học sinh qua internet, trên truyền hình; nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập đã giao cho học sinh; chỉ đạo các nhà trường hướng dẫn giáo viên, học sinh tham khảo lịch phát sóng các bài học trên kênh Truyền hình giáo dục quốc gia (kênh VTV7 và một số kênh truyền hình trung ương khác) và các kênh truyền hình khác được công bố trên Cổng Thông tin của Bộ GD-ĐT (tại địa chỉ http://www.moet.gov.vn).
Khi học sinh đi học trở lại, chỉ đạo các nhà trường tổ chức rà soát, đánh giá kết quả học tập qua internet, trên truyền hình. Từ đó, hướng dẫn giáo viên rà soát, tinh giản nội dung dạy học và điều chỉnh kế hoạch dạy học theo hướng kế thừa những nội dung kiến thức đã học qua internet, trên truyền hình nhằm tối ưu thời gian và nội dung kiến thức cần tiếp tục dạy học trong chương trình theo quy định.
Về phía Bộ GD-ĐT, hiện có kho dữ liệu gồm 5.000 bài giảng điện tử (e-learning) đoạt giải trong các cuộc thi quốc gia thiết kế bài giảng e-learning do Bộ GD-ĐT tổ chức.
B.Lâm
Bình luận (0)