Với chuyên đề này, các HS đã được phổ biến những kiến thức giáo dục phòng chống xâm hại, các kỹ năng cần thiết để bảo vệ bản thân và một số cách xử lý khi gặp tình huống nguy hiểm.
Trong buổi học, thầy William Wong đã đưa ra các tình huống để HS giải quyết. Hầu hết các em đều hiểu những câu hỏi cơ bản và những tình huống do thầy đặt ra. Nhiều em đã nhận ra được việc không nói chuyện với người lạ, không cho kẻ lạ đụng vào người, an toàn nhất là ở cạnh cha mẹ... “Người lạ đến nói chuyện thì con cảm thấy không an toàn và có cảm giác như họ muốn bắt cóc con” - một HS bày tỏ.
Thầy William Wong đã lý giải cho các em hiểu vùng nào là “vùng bikini”, vùng riêng tư không ai được phép đụng đến, nhìn, chạm hay sờ mó, trừ trường hợp cha mẹ làm vệ sinh, tắm rửa cho con hoặc bác sĩ thăm khám khi có cha mẹ đi cùng.
Theo thầy William Wong, khi gặp phải tình huống xấu, ba điều HS cần làm là No - Go - Tell. Cụ thể, khi rơi vào tình huống bị xâm hại, đầu tiên, các em phải phản đối, không tiếp xúc, không nói chuyện, trường hợp xấu nhất thì hét lên, vùng vẫy để thoát khỏi kẻ xấu và chạy ngay đến người mà mình tin cậy.
“Nói không, chạy ngay khi có thể, kể cho cha mẹ nghe về mọi điều, đó là những gì các em cần thiết phải biết để làm. Giữa cha mẹ và con cái thì không có bí mật, nhất là trong trường hợp con cảm thấy không an toàn” - thầy William Wong nhấn mạnh.
Bên cạnh những kiến thức về kỹ năng phòng chống ban đầu, HS lớp 1 còn được hướng dẫn thực hành thực tế. Thông điệp “I can say no” được hành động hóa, điều này giúp các em dễ hiểu và dễ nhớ hơn.
Trao đổi với phụ huynh, thầy William Wong nhấn mạnh điều quan trọng, đầu tiên nhất trong việc bảo vệ con em mình là tôn trọng cảm xúc của trẻ. Cụ thể, cho phép trẻ từ chối những cử chỉ, hành động của bất cứ ai xâm phạm vùng an toàn của mình. Ngay cả khi họ hàng, bạn bè của gia đình ôm, hôn hay nựng nịu, trẻ không thích nhưng vẫn phải làm theo lời người lớn, dần dần trẻ sẽ quen với việc bị ép buộc chấp nhận những lần đụng chạm, ôm, hôn dù rất khó chịu.
Phụ huynh cũng cần tin tưởng con em mình khi trẻ bày tỏ trực cảm bất an và tin tưởng những gì trẻ nói, cam đoan rằng trẻ đã rất dũng cảm khi chia sẻ điều ấy. Chuyện xảy ra không phải lỗi của trẻ. Phụ huynh cần chắc chắn rằng con em mình đã an toàn và sẽ làm mọi thứ có thể nhằm ngăn điều đó không xảy ra lần nữa để tạo niềm tin vững chắc cho trẻ.
Cô Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, cho biết trường vốn có chuyên đề phòng chống xâm hại nhưng chỉ áp dụng cho HS các lớp 3, 4, 5. Tuy nhiên, trường nhận thấy việc trang bị cho trẻ kỹ năng phòng chống xâm hại càng sớm càng tốt và nhiều phụ huynh HS lớp 1 cũng yêu cầu dạy kỹ năng này. Vì thế, trường tiến hành dạy kỹ năng này cho tất cả HS lớp 1 để giúp trẻ phòng tránh được tình huống xấu.
Bình luận (0)