Trong khuôn khổ phiên họp thứ 9, sáng 22-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của QH, UBTVQH năm 2018; xem xét kiến nghị giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH, đoàn đại biểu (ĐB) QH và ĐBQH.
Bạo lực tình dục trẻ em rất đáng lo
Tại phiên họp, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký QH, cho biết từ 196 nội dung đề xuất của các cơ quan với 8 nhóm vấn đề, Tổng Thư ký QH trình 4 trong 6 nội dung để UBTVQH xem xét trình QH lựa chọn giám sát. Nội dung thứ nhất là việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN); xử lý đối với các dự án, công trình trọng điểm kém hiệu quả thua lỗ. Nội dung thứ hai là việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay nợ nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội. Nội dung thứ ba là việc thực hiện chính sách, pháp luật về xử lý chất thải của các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, khu dân cư. Nội dung thứ tư là việc thực hiện Luật Thủ đô.
Cho ý kiến vào chương trình, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH, cũng đề xuất giám sát 4 nội dung, trong đó có 2 nội dung khác với đề xuất của Tổng Thư ký QH. Theo đó, ngoài 2 nội dung đầu, bà Nga còn đề xuất giám sát 2 nội dung khác, gồm: việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống bạo lực đối với trẻ em. Đặc biệt, đối với bạo lực tình dục trẻ em, bà Nga cho rằng đây là vấn đề ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, đa số các gia đình có trẻ em đều lo lắng. Do đó, cần giám sát tối cao vấn đề này.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đồng tình với đề xuất của người đứng đầu Ủy ban Tư pháp về việc bổ sung giám sát thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống bạo lực đối với trẻ em. Theo Chủ tịch QH, chỉ riêng báo cáo về kết quả phòng chống xâm phạm tình dục trẻ em, chưa nói vấn đề xâm phạm khác, đã rất đáng ngại. Bà Ngân dẫn chứng năm 2015, phát hiện 1.717 vụ trẻ em bị xâm hại; năm 2016, phát hiện 1.641 vụ; quý I/2017, phát hiện 375 vụ. “Đó là những vụ việc được phát hiện, chưa kể các trường hợp chưa được phát hiện. Tôi thấy vấn đề này cần được giám sát” - Chủ tịch QH nói.
Cần “soi” việc thu hồi đất
Với riêng việc thực hiện Luật Thủ đô, nhiều ĐB không đồng tình đưa vào nội dung giám sát. Ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, nêu quan điểm luật này chỉ liên quan đến một địa phương, cụ thể là Hà Nội, nên không đến mức phải tiến hành giám sát tối cao.
Trong khi đó, một số ĐB đề xuất đưa vấn đề quản lý đất đai vào chương trình giám sát. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đề cập vấn đề nóng xung quanh việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai, thu hồi đất đai cho các dự án mà mới nhất là chuyện ở Mỹ Đức, Hà Nội. “Vụ việc có xu hướng lây lan đến một số địa bàn khác. Đây là vấn đề cần được quan tâm giám sát trong thời gian tới” - Phó Chủ tịch nước nói. Đồng tình, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện của UBTVQH, đề nghị bổ sung chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trong việc thu hồi đất nhằm mục đích phát triển kinh tế - xã hội. “Căn cứ theo tiêu chí để lựa chọn giám sát, tôi thấy đây là vấn đề bức xúc đang nổi lên. Vấn đề này chúng tôi cũng giám sát thường kỳ và nhận thấy hiện việc thu hồi đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khi thực hiện còn bất cập” - bà Hải cho biết.
Tiếp tục lùi trình Luật Về hội và Luật Biểu tình
Chiều cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và đề nghị về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết tại kỳ họp thứ 3 của QH diễn ra vào cuối tháng 5 tới, Chính phủ trình QH sớm trước một kỳ họp đối với 2 dự án luật, lùi trình 4 dự án luật và bổ sung mới 4 dự án luật. Đáng chú ý, Chính phủ tiếp tục xin lùi 2 dự án Luật Về hội và Luật Biểu tình để chuẩn bị kỹ hơn. UBTVQH đồng ý với Chính phủ và sẽ báo cáo QH. Dự án Luật Biểu tình do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, hiện đã đến giai đoạn chuyển sang Bộ Tư pháp thẩm định.
Bình luận (0)