Tại Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM), tất cả giáo viên phải tập trung tại trường để dạy trực tuyến những môn chính khóa. Bên cạnh đó, nhà trường còn mời thêm một số giáo viên dạy kỹ năng sống về tham gia giảng dạy, số tiết của môn học này được tăng gấp 2 lần so với thời gian học trong điều kiện bình thường.
Phát triển năng lượng tích cực
Theo thời khóa biểu của Trường THPT Nguyễn Du, đến hết tháng 2, học sinh sẽ học trực tuyến 9 môn gồm: toán, ngữ văn, tiếng Anh, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân. Thời lượng không quá 4 tiết học/buổi, mỗi môn kéo dài từ 20 đến 25 phút, dạy theo từng chủ đề. Các buổi còn lại trong tuần, học sinh sẽ học các môn còn lại qua bài giảng E-learning được đăng tải trên website của trường.
Thầy Huỳnh Thanh Phú, hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường sắp xếp thời gian học như vậy để học sinh không bị áp lực và chán nản khi học trực tuyến. Ngoài ra, trường còn lồng ghép vào những buổi học kỹ năng sống, được dạy bởi thầy cô có kiến thức xã hội nhiều, phù hợp với tâm lý học sinh.
Lý giải việc này, thầy Phú cho rằng học sinh phải nghỉ một khoảng thời gian khá dài, ít có điều kiện giao tiếp với thầy cô, trò chuyện với bạn bè để giảm bớt những áp lực trong học tập. Từ đó, việc học tại nhà sẽ khiến học trò có cảm giác bức bối, khó chịu. Đồng thời, khi học trực tuyến, các em phải ngồi và nhìn màn hình máy tính liên tục, dẫn đến các bệnh lý như cột sống, cận thị, hít thở không sâu, gai cột sống…
Nhà trường hiểu rõ điều này nên trong những tiết học kỹ năng sống, giáo viên sẽ giới thiệu các cuốn sách nên đọc, bài nhạc hay phim phù hợp với lứa tuổi học sinh. Qua đó, các em giải phóng được năng lượng tiêu cực.
Tiếp đến, giáo viên dạy nghề kết hợp cùng giáo viên dạy kỹ năng sẽ hướng dẫn học sinh cách nấu một món ăn, làm bánh, cắm hoa và yêu cầu các em thực hành. Việc này sẽ giúp học sinh phát triển kỹ năng sống, nuôi dưỡng năng lượng tốt để học các môn khác hiệu quả hơn.
Nhà trường còn sắp xếp thời gian học theo nguyên tắc 20-20-20 với tất cả các môn. Cụ thể, học sinh sẽ học kiến thức 20 phút, trong thời gian học có ít nhất 20 giây nhìn ra ngoài màn hình máy tính và 20 phút còn lại để giải trí.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nên để thời gian cho học sinh tập trung học những môn chính khóa, kỹ năng sống chỉ phù hợp học trực tiếp, đưa vào dạy trực tuyến thực sự không hiệu quả. Trước luồng ý kiến này, thầy Phú cho hay nên nhìn nhận một cách cởi mở hơn, bởi đây là tiết học giảm căng thẳng cho học sinh. Trong lúc giảng dạy, giáo viên đã nhận được nhiều câu hỏi hay, những chia sẻ thật lòng của học sinh. Như vậy, giáo viên cho học sinh cảm giác được đồng cảm, đó là thành công trong giáo dục.
"Mỗi buổi học kỹ năng, các em đều hào hứng tham gia, sĩ số vắng trung bình 20 em/1.558 học sinh. Khi làm bài thu hoạch, học sinh đạt điểm cao, cho thấy môn kỹ năng sống thực sự có hiệu quả dù là dạy trực tuyến" - thầy Phú nói.
Thầy Phạm Minh Đăng, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM), đang dạy trực tuyến thông qua iPad
Hiệu quả đạt 70%
Theo thầy Nguyễn Đình Độ, Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân (quận Tân Phú, TP HCM), trong 2 tuần học trực tuyến sau kỳ nghỉ Tết nhà trường cho học sinh học 6 môn: toán, lý, hóa, văn, sinh, tiếng Anh. Nhưng trong trường hợp xấu nhất, học sinh sẽ phải học trực tuyến kéo dài, trường sẽ dạy tất cả các môn, bao gồm cả kỹ năng sống.
Thầy Độ nhận định đây là môn học cần thiết để học sinh giải tỏa áp lực trong thời gian dài phải học trong thế giới ảo gò bó, giúp thầy và trò hiểu nhau hơn. Khi thực hiện dạy môn học này trực tuyến, 100% học sinh sẽ tham gia. Cách quản lý cũng như những môn học khác, có giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm và ban giám hiệu sẽ kiểm tra đột xuất.
"Mặc dù dạy kỹ năng sống trên nền tảng số không đạt được hiệu quả như trực tiếp nhưng không thể nói là vô dụng, không thiết thực. Từ những tiết học, giáo viên có thể khơi gợi ý thức tự giác của học sinh, giảm đi suy nghĩ tiêu cực, như vậy đã đạt 70% hiệu quả đối với yêu cầu của môn học này" - thầy Độ nhận định.
Cô Nguyễn Ngọc Khánh Vân, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh, TP HCM), cho rằng để đưa môn kỹ năng sống vào dạy trực tuyến phải tùy thuộc tình hình thực tế của từng trường. Trường THPT Gia Định không đưa môn này vào dạy trực tuyến vì những môn học của trường được sắp xếp rất nhẹ nhàng, có thời gian cho học sinh nghỉ ngơi nên không nhiều áp lực. Cô Vân cũng cho rằng môn kỹ năng sống thực sự hiệu quả khi được dạy trực tiếp, nên khi học sinh quay trở lại trường, mới tiếp tục dạy môn này.
Triển khai một môn học phải có đánh giá khi kết thúc
Theo cô Nguyễn Ngọc Khánh Vân, chỉ nên triển khai một môn học qua hình thức trực tuyến khi biết kết quả đạt được là gì, thông qua đánh giá. Để thực hiện dạy kỹ năng sống trên trực tuyến hiệu quả, đòi hỏi giáo viên phải xây dựng quy trình quản lý lớp học, đánh giá kết quả rất tỉ mỉ và cẩn thận. Không nên dạy môn học bằng cách qua loa, hời hợt, sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến học sinh.
Bình luận (0)