Ảnh: TẤN THẠNH
Thổi hồn cho bài giảng
Khoảng 15 năm trở về trước, hành trang đến lớp của người thầy là bộ giáo án đã được soạn sẵn trên giấy. Thế nhưng, chẳng mấy khi thầy giáo nhìn giáo án, chỉ có phấn trắng, bảng đen và cứ thế mà tiết học đi vào lòng học trò.
Ngày nay, khi những tiến bộ của công nghệ thông tin được ứng dụng vào giáo dục, người thầy được hỗ trợ rất nhiều từ việc tìm kiếm tài liệu đến thiết kế bài giảng sinh động hơn. Cô Nguyễn Kim Tường Vy, tổ trưởng tổ lịch sử của Trường THPT Nguyễn Hiền (TPHCM), cho biết việc sử dụng những hình ảnh, những thước phim vào dạy học khiến học trò rất thích thú, dễ nhớ bài… Thế nhưng, những thước phim, những hình ảnh đó sẽ chẳng bao giờ thay thế được người thầy bởi chính người thầy mới là người truyền cảm hứng, thổi đam mê vào lòng học sinh.
Theo cô Vy, để có những tiết dạy lịch sử hay, người thầy phải có khả năng diễn đạt tốt, phải thật sự hiểu rộng, thông tin truyền đạt phải thật để học sinh hiểu bài và suy nghĩ. Đặc biệt, phải thổi được hồn của bài giảng vào lòng học sinh. Điều này không phải giáo viên nào cũng làm được.
TS Huỳnh Công Minh, nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho rằng chương trình sách giáo khoa rất nặng là thực tế. Vì vậy, vai trò của giáo viên là phải biết chắt lọc, xây dựng bài giảng mới trên cơ sở biên soạn lại những nội dung trong sách giáo khoa và những kiến thức thu nhận được để dạy những cái các em cần. Nếu chỉ dạy y như sách giáo khoa thì học sinh chẳng cần.
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, phương pháp giảng dạy là yếu tố quan trọng để lôi cuốn học sinh. Tuy nhiên, không ít giáo viên sử hiện nay vẫn đi theo lối mòn khô khan, thiếu linh hoạt, sáng tạo trong giảng dạy, vô tình làm cho học sinh chán sử. Tình trạng trên có nguyên nhân do sinh viên đầu vào ngành sư phạm môn sử thấp, ít người chịu học, phần lớn là bất đắc dĩ phải chọn môn này, làm ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra. Tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM, Trường ĐH Sài Gòn, điểm chuẩn vào ngành sư phạm sử một vài năm gần đây thấp hơn các năm trước.
Yếu phương pháp giảng dạy
Cả nước hiện có khoảng 20 trường, khoa đào tạo giáo viên lịch sử. TS sử học Nguyễn Đức Hòa, Phó trưởng Khoa Sư phạm - Khoa học Xã hội Trường ĐH Sài Gòn, cho biết giáo viên môn sử và các môn xã hội nói chung rất khó đi dạy thêm. Năm nào thi tốt nghiệp thì học trò đi học thêm, còn không thì thôi. Để cải thiện cuộc sống, buộc giáo viên phải làm thêm những nghề không liên quan đến chuyên môn. Cùng với những nguyên nhân khách quan khác như môn sử bố trí ít thời gian, học trò không mặn mà khiến giáo viên ít đầu tư công sức, vì thế học trò càng chán.
Thời gian đào tạo nghề quá ít Trong một nghiên cứu về thực trạng đào tạo giáo viên lịch sử, PGS-TS Ngô Minh Oanh, Viện Nghiên cứu Giáo dục thuộc Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho biết: Bộ GD-ĐT đã quy định chương trình đào tạo khung, trên cơ sở đó, các khoa sử xây dựng chương trình tùy theo tình hình đặc điểm và khả năng của khoa. Song không phải khoa nào cũng có quan niệm thống nhất về việc xây dựng chương trình khi bố trí khối lượng các nhóm môn và các môn học cụ thể. Theo kết quả khảo sát, số tín chỉ dành cho đào tạo nghề gồm chuyên đề và các môn rèn luyện nghiệp vụ sư phạm của các khoa lịch sử dao động từ 8-17 tín chỉ, thực tập sư phạm dao động từ 6-10 tín chỉ. Nếu tính tất cả thời gian dành cho đào tạo nghề và thực tập nghề so với tổng số khoảng trên dưới 140 tín chỉ thì thời lượng dành cho đào tạo nghề quá thấp trong một trường đào tạo nghề”- PGS-TS Ngô Minh Oanh cho hay. |
Bình luận (0)