xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Học môn sử chỉ để thi!

HUY LÂN - ĐẶNG TRINH

Sau khi Báo Người Lao Động đăng bài viết “Đâu chỉ học sinh sợ môn sử!” và thông tin về video clip học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền xé đề cương môn sử tung lên mạng, nhiều bạn đọc đặt vấn đề tại sao như vậy và lỗi từ đâu?

Chiều 8-4, chúng tôi gặp gỡ ban giám hiệu, giáo viên và cả học sinh khối 12 của Trường THPT Nguyễn Hiền - TPHCM, nơi được xác định là địa chỉ trong video clip tung lên mạng quay cảnh học sinh xé giấy, đề cương môn lịch sử thả xuống sân trường, để tìm hiểu việc dạy, học trong nhà trường.

img
Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Hiền trong giờ ôn tập môn Anh văn để chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới. Ảnh: TẤN THẠNH

Hành động xả stress?

Em Phạm Thị Thu Hiền, học sinh lớp 12 A3, cho biết em không tham gia xé giấy thả xuống sân trường ngày 29-3 nhưng lúc đó em có cổ vũ, hò hét. Hành động này không phải vì các em quay lưng lại với môn lịch sử mà do lượng kiến thức của môn này nhiều, các em phải học thuộc vì thầy cô hằng tuần đều dò bài. Về tâm lý, khi không thi tốt nghiệp môn này thì hành động của em cũng như của các bạn xé giấy chỉ để giải tỏa, xả stress.

Em Thiện Phú, lớp 12A1, cho biết em thích học môn sử vì cô giáo của em dạy rất hay. Tuy vậy, em vẫn sợ thi môn này vì để làm tốt bài thi phải nhớ quá nhiều chi tiết.  

Thầy Nguyễn Cảnh Tân, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền, cho biết sự việc mà báo chí gọi là xé đề cương môn sử xảy ra vào buổi chiều cùng ngày Bộ GD-ĐT công bố 6 môn thi tốt nghiệp (29-3), ban đầu chỉ một vài em ném giấy lộn xuống trường nhưng sau đó, nhiều em khác hùa theo trò đùa này. Trong đám hỗn độn giấy nát dưới sân trường thì đề cương môn sử không nhiều mà đa phần là giấy lộn và các tài liệu quảng cáo của các lò luyện thi, các trường ĐH, CĐ.

Thầy Tân cho rằng trong 2 môn địa lý và lịch sử thì môn địa thiên về tư duy logic nên dễ làm bài. Với môn sử, để làm được bài không còn cách nào khác là các em phải học thuộc. Vì lẽ đó, nên khi biết không phải thi tốt nghiệp THPT môn lịch sử thì học sinh tỏ thái độ vui mừng, điều đó cũng dễ hiểu.

Môn lịch sử: Ôm đồm, dàn trải

Cô Nguyễn Thị Thiên Minh, tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - TPHCM, cho biết có lần cô ra đề kiểm tra như sau: “Học sinh hãy trình bày diễn biến của cuộc tổng tiến công và nổi dạy mùa Xuân 1975. Qua sự kiện này, em hãy nêu lên suy nghĩ của mình”. Đề kiểm tra này nhiều học sinh chỉ làm được vế thứ nhất, vế sau các em không làm được. Đây là biểu hiện của cách học vẹt, học để thi khiến cô rất buồn.

Cô Nguyễn Kim Tường Vy, tổ trưởng tổ lịch sử của Trường THPT Nguyễn Hiền, cho biết chương trình sách giáo khoa quá nặng vì ôm đồm và dàn trải. Cái các em cần là sự kiện, nhân vật và không gian để phân tích chứ không phải là những con số tỉ mỉ. Cách ra đề thi của Bộ GD-ĐT hiện nay cơ bản vẫn yêu cầu học sinh phải thuộc bài nên không tạo được hứng thú cho học sinh, làm môn học này trở nên rất nặng nề.

Thực trạng buồn

Nhiều giáo viên cho rằng không chỉ riêng môn lịch sử, nếu bất cứ một môn nào không phải thi, học sinh sẽ lơ là môn đó ngay lập tức. Vì thế mới có sự phân biệt môn chính, môn phụ bởi môn phụ lâu nay thường không phải thi, không gặp áp lực về điểm số.

Đó là thực trạng đáng buồn của ngành giáo dục bấy lâu nay khi mà học sinh chỉ học để đối phó với thi cử chứ không phải để nâng cao kiến thức. Hiệu trưởng một trường THPT phân tích: Cứ nhìn các trường và cả học sinh mải ngóng thông báo các môn thi tốt nghiệp THPT của bộ để có thời gian tăng tiết, cắt xén chương trình, kết thúc sớm những môn không phải thi, tập trung vào các môn thi thì thấy rất rõ việc học chỉ nhằm đối phó với chuyện thi cử. 

Ngay cả các môn chính như văn, toán, lý, hóa, sinh..., các em cắm đầu vào học cũng chỉ đối phó với thi cử, để bằng mọi giá vào được một trường ĐH nào đó. Một giáo viên lâu năm cho rằng kết cấu chương trình phổ thông với nhiều môn học là rất khoa học nhằm trang bị kiến thức toàn diện cho một công dân tương lai.
Nhưng với việc học lệch, học để đối phó với thi cử thì một công dân bước vào đời với rất nhiều lỗ hổng lớn về kiến thức, ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách, lối sống và cả tương lai của các em. Lỗi đó là thuộc về ngành giáo dục, không thể trách các em được.

Phải thay đổi cách dạy và học

Nếu môn sử là môn thi tốt nghiệp thì điều đó là nỗi lo đối với nhiều học sinh lớp 12. Và chắc chắn những đề cương ôn tập môn lịch sử sẽ không bị xé nát, tung bay lả tả theo gió mà các em sẽ học như con vẹt học nói, học thuộc lòng để đối phó với thi cử mà chẳng biết học cái gì!

Đổi mới việc dạy và học môn lịch sử là vấn đề rất quan trọng mà Bộ GD-ĐT phải làm, đừng hứa nữa. Hãy biến môn sử thành một môn học nhân văn, vì đó là môn học tích hợp nhiều kiến thức về lịch sử tiến hóa của loài người, về triết học, xã hội, văn hóa, tôn giáo...

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo