Cách đây 5 năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã thấy được tình hình dạy thêm, học thêm vừa là vấn đề bức xúc của xã hội vừa là nhu cầu chính đáng của giáo viên (GV) và học sinh (HS) nên đã ban hành Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.
Nếu không dạy thêm trong nhà trường…
Trong đó, Bộ GD-ĐT nêu rõ nhà trường được phép tổ chức dạy thêm, học thêm: “Dạy thêm, học thêm trong nhà trường là dạy thêm, học thêm do cơ sở giáo dục công lập, gồm: cơ sở giáo dục phổ thông; trung tâm dạy nghề; trung tâm giáo dục thường xuyên; trung tâm học tập cộng đồng; trung tâm ngoại ngữ, tin học (gọi chung là nhà trường) tổ chức”.
Ngày 6-6-2014 UBND TP HCM ban hành Quyết định số 21/2014/QĐ-UBND quy định về quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn TP HCM, văn bản này cũng không có điều nào quy định cấm tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường.
Do vậy, việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường có cơ sở pháp lý, được Bộ GD-ĐT cho phép nên không thể chấm dứt, không thể bỏ, trừ khi bộ ban hành văn bản mới.
Nếu chấm dứt (hoặc cấm) việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường thì GV và HS sẽ chọn đến các trung tâm ngoại ngữ, bồi dưỡng văn hóa ngoài nhà trường để dạy và học thêm.
Do Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT không quy định về quy chế phối hợp giữa trường phổ thông và các trung tâm để quản lý việc dạy thêm và học thêm nên hiệu trưởng trường phổ thông gặp khó khăn trong việc quản lý GV dạy thêm ngoài nhà trường, bởi Thông tư 17 quy định: “Đối với GV đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với HS mà GV đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý GV đó” (điều 4 Thông tư 17).
Còn các trung tâm lại gặp khó khăn khi phải thực hiện đúng nguyên tắc về dạy thêm, học thêm, theo Thông tư 17 đó là: “Không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; HS trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau; khi xếp HS vào các lớp dạy thêm, học thêm phải căn cứ vào học lực của HS” (điều 3 Thông tư 17).
Mặt khác, nếu chấm dứt việc tổ chức dạy thêm, học thêm ở tất cả các trường phổ thông, liệu các trung tâm ngoại ngữ, trung tâm bồi dưỡng văn hóa ngoài nhà trường có đủ chỗ cho HS học thêm hay không bởi hiện nay, ước có 90% HS phổ thông các bậc học đi học thêm.
Nếu chấm dứt (hoặc cấm) việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường, sẽ có khả năng GV không đến dạy thêm ở các trung tâm ngoài nhà trường (điểm 4, điều 4 Thông tư 17), khi đó HS sẽ học thêm ở nhà của GV. Đây là điều mà nhiều năm nay ngành GD-ĐT cấm tổ chức dưới hình thức này (điều 4 Thông tư 17), bởi nó phát sinh ra nhiều tiêu cực trong việc dạy.
Tăng cường vai trò của hiệu trưởng
Thế nên, việc dạy thêm, học thêm nên tổ chức trong nhà trường đúng theo Thông tư 17.
Để dạy thêm, học thêm trong nhà trường không còn là nỗi lo của xã hội, ngành GD-ĐT cần giao trách nhiệm cụ thể cho hiệu trưởng nhà trường tổ chức dạy thêm, học thêm đúng theo quy định ở điều 3, điều 4 và điều 7 Thông tư 17, đồng thời phải làm tròn trách nhiệm được quy định ở điều 19 của thông tư này.
Mặt khác, cơ quan quản lý giáo dục cấp trên cần thường xuyên thanh - kiểm tra tình hình dạy thêm, học thêm ở các cơ sở trường học; song song đó, chính quyền địa phương cần thực hiện tốt nhiệm vụ theo quy định ở điều 17 Thông tư 17.
Nếu hiệu trưởng nhà trường không làm tròn trách nhiệm được giao thì cơ quan quản lý giáo dục cấp trên cần mạnh dạn kiểm điểm, cắt danh hiệu thi đua cá nhân và tập thể đơn vị, cách chức hoặc luân chuyển trước thời hạn khỏi đơn vị.
Nếu GV vi phạm quy định về dạy thêm thì cơ quan quản lý giáo dục cấp trên cũng mạnh dạn kiểm điểm, cắt danh hiệu thi đua và xử phạt hành chính.
Việc dạy thêm, học thêm được tổ chức trong nhà trường, đúng theo quy định trong Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT; được tổ chức thực hiện đồng bộ và quyết liệt như trên thì tình hình dạy thêm, học thêm sẽ không còn là nỗi bức xúc của xã hội.
DIỄN ĐÀN: Bỏ dạy thêm hay bắt đầu dạy chui?
Đừng quản không được là cấm
Công bằng mà nói việc dạy thêm chẳng có gì là sai trái, cái sai trái ở đây là chế độ đãi ngộ của nhà nước cho GV không đủ chi tiêu cơ bản thì việc dạy thêm thành một cái cần câu cơm, thành áp lực mà nhiều GV mới phải “chơi xấu” kiểu cố ý ép HS học thêm.
Ông bà ta cũng nói “Có thực mới vực được đạo”, cái bụng không no thì nói đạo lý với ai? Lương GV mới ra trường có 5 năm kinh nghiệm nếu chỉ dạy hợp đồng không biên chế thì mức lương GV ở tỉnh chỉ từ 2-3 triệu đồng/tháng. Vào biên chế rồi thì cũng chỉ từ 3-5 triệu đồng/tháng. Còn ở TP lớn như TP HCM hay Hà Nội thì từ 7-8 triệu đồng là cao. Nếu có gia đình thì lo sao nổi các khoản ăn uống, học hành của con, chưa kể năm nào y tế cũng tăng giá, học phí tăng nhưng lương GV thì 3 năm lên 1 bậc, mỗi bậc 300.000 đồng. Mỗi năm Tết đến, công nhân còn được lương tháng 13, tiền thưởng, còn GV trường nào được mấy khoản này?
Phụ huynh ở thành phố ai cũng đi làm từ sáng đến tối mịt mới về, vậy thì đưa đón con đi học thế nào đây? Có hôm đứa lớn tan trường 11 giờ, đứa bé 16 giờ thì việc đón con, trông con kiểu gì? Hay phải nghỉ việc ở nhà đưa đón, canh chừng? Đành phải cho con đi học thêm để bố mẹ còn đi làm kiếm tiền.
Giáo dục yếu kém là cả hệ thống chứ nào phải tại GV, khi chính GV chạy theo tiêu chí, thông tư còn không kịp. Theo tôi, việc học thêm, dạy thêm là tất yếu và nên mở rộng, chỉ có điều là dạy cái gì thêm, học cái gì thêm và học phí bao nhiêu để không trở thành gánh nặng; phụ huynh an tâm đi làm vì con em được vui chơi, học hỏi an toàn... GV được tạo điều kiện để nâng cao đời sống tinh thần thì may ra mới không có chuyện dạy chui. Chứ chả lẽ cứ cái gì không quản lý được thì cấm?
Ngọc Nhân
Bình luận (0)