Ông NGÔ TƯƠNG ĐẠI, Phó Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Quang Trung - Nguyễn Huệ:
Dùng từ “cấm”, thật bạc bẽo!
Khách quan mà nói, giáo viên (GV) kiếm tiền từ chuyên môn của họ là việc hoàn toàn đúng. Để trở thành nhà giáo hay bác sĩ, họ cũng phải có quá trình rèn luyện, học tập, tốn kém tiền bạc, thời gian.
Khi đi làm, họ có quyền kiếm thêm bằng sức lao động của mình, bác sĩ được mở phòng mạch, GV được dạy thêm. Cấm GV dạy thêm, không lẽ bắt họ ra đường chạy xe ôm hay đi rửa bát để kiếm tiền? Họ kiếm tiền bằng chuyên môn, năng lực của mình, cớ gì lại cấm? Theo tôi, không nên dùng từ cấm, bạc bẽo lắm.
Mà có cấm cũng không được. Trong thực tế, người ta không dạy ở trường thì dạy ở nhà. GV về hưu nhận dạy kèm 1-2 em không lẽ cũng cấm? Thay vì tìm cách cấm, các nhà quản lý nên tìm biện pháp tổ chức hoạt động dạy thêm - học thêm như thế nào cho đúng, cho hiệu quả.
Thực tế hiện nay, việc dạy thêm ở các trung tâm bồi dưỡng văn hóa cũng là dạy thêm. Trong khi mỗi quận, huyện chỉ có vài trung tâm, GV muốn dạy thêm lại phải đến đây xin phép, đăng ký, thậm chí phí đăng ký nhiều hơn ở trường mà đâu phải GV nào muốn dạy cũng được, vì thế lại nảy sinh cơ chế xin - cho, rất tội cho GV!
ThS LÊ NGỌC ĐIỆP, nguyên Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP HCM:
Hãy sòng phẳng với giáo viên
Tôi chỉ nói riêng ở bậc tiểu học, xét ở góc độ giáo dục, việc cấm dạy thêm - học thêm ở bậc này là hoàn toàn đúng. Đây là bậc học để phát triển thể chất, kỹ năng của học sinh chứ không phải trọng tâm là để dạy kiến thức. Nhưng nói đi phải nói lại, bao nhiêu trường học của mình thiếu một sân chơi đúng nghĩa để học sinh chạy nhảy, vui đùa.
Tôi từng được tham quan các trường học ở Hàn Quốc. Ở đó, sau giờ học, học sinh được vui chơi thỏa thích, thậm chí quần áo lấm lem chứ không sạch sẽ như học sinh mình đâu. Học sinh tiểu học của chúng ta chỉ biết học và học khi tuổi còn quá nhỏ, rồi còn phải học thêm thì sức đâu mà chịu nổi!
Hồi còn công tác, tôi đã nhiều lần kiến nghị cứ tính tiền sòng phẳng cho GV đi rồi hãy nói đến chuyện cấm hay không cấm dạy thêm. Điều lệ trường tiểu học quy định chỉ có 35 học sinh/lớp nhưng thực tế, GV phải dạy 50 học sinh/lớp. Thêm 15 học sinh này thì tính thêm thù lao bao nhiêu cho GV? Chúng ta cần phải xem lại để GV không bị thiệt thòi.
Luật sư HÀ HẢI, Đoàn Luật sư TP HCM:
Không cấm nhưng phải công khai, minh bạch
Việc dạy thêm là quyền của GV, quyền này luật không cấm thì các văn bản dưới luật cũng không được quy định khác và cơ quan chức năng không được cấm cản. Không nên vì chuyện chất lượng dạy ở trường kém, GV dạy thêm nên có tiêu cực và quản lý không được thì cấm. Theo quy định, GV muốn mở lớp dạy thêm thì phải đăng ký, phải có cơ sở vật chất đáp ứng theo yêu cầu. Thực tế, hầu như GV dạy thêm không đăng ký và việc dạy thêm quả thật không được minh bạch.
Vấn đề hiện nay là cơ quan chức năng mất kiểm soát, không quản lý nghiêm, giải quyết cho được vấn đề GV phân biệt đối xử với học sinh không học thêm và o ép khiến phụ huynh không thể không cho con đi học thêm vì lo sợ con mình bị đì, bị đánh trượt, bị xếp loại hạnh kiểm yếu và ở lại lớp.
Vừa qua, tôi biết có một vụ học sinh lớp 10 một trường THPT bị xếp loại hạnh kiểm yếu mà nguyên nhân là do không học thêm thầy dạy môn lý. Học sinh này là 1 trong 4 em đạt điểm cao nhất đầu vào của trường. Năm qua, do em không học thêm thầy dạy môn lý nên bị thầy o ép, phân biệt đối xử. Suốt một năm trời, em bị thầy giáo “khủng bố” đến nỗi lo sợ và vi phạm quy chế thi. Mặc dù điểm thi các môn cuối kỳ đều cao nhưng vì vi phạm quy chế thi môn lý nên em bị xếp loại hạnh kiểm yếu. Hãy tưởng tượng một đứa bé như trang giấy trắng, rơi vào hoàn cảnh ấy sẽ ám ảnh học sinh này suốt cuộc đời.
Thay vì cấm thì nên yêu cầu GV khi dạy thêm phải đăng ký theo quy định, phải công khai, không lén lút. Phải có chế tài GV dạy thêm mà không đăng ký theo quy định; xử lý nghiêm GV đến lớp không dạy hoặc dạy không đủ bài, o ép, hù dọa những học sinh không đi học thêm; nâng đỡ, thiên vị, cho bài trước những em học thêm và đối xử không công bằng với các em không có điều kiện hoặc không thích học thêm.
DIỄN ĐÀN:Bỏ dạy thêm hay bắt đầu dạy chui? (Bài tham gia diễn đàn gửi về giaoduc@nld.com.vn)
Cốt lõi ở nội dung chương trình
Phó hiệu trưởng một trường THCS tại quận 10, TP HCM cho rằng dạy thêm - học thêm khó phân biệt ranh giới đúng sai. Những ngày hè, phụ huynh nào cũng đi làm. Nếu không cho con đi học thêm, không gửi con cho thầy cô thì biết đưa trẻ đi đâu? Đó là nhu cầu có thật.
Mặt khác, ngay trong một lớp cũng phân hóa trình độ học sinh. Có em học giỏi, giảng một lần là tiếp thu được ngay; có em giảng vài lần cũng không hiểu. Vì thế mới có chuyện các em được phân loại ra để phụ đạo. Phụ đạo cũng là một hình thức dạy thêm nhưng GV đâu có được gì? Nhưng khi dạy thêm mà biến thể thì trở nên tiêu cực, hình ảnh GV lại xấu xí trong mắt học trò. GV kiếm tiền bằng trí tuệ của mình mà như đang làm việc ác. Cốt lõi của vấn đề này là chương trình, nội dung giáo dục hiện nay phải thay đổi như thế nào để học sinh không còn phải đi học thêm, GV có muốn dạy thêm cũng không được.
Bình luận (0)