Ngày 19-3, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Thị Nghĩa cho biết ở những nơi có điều kiện và phụ huynh có nhu cầu, các cơ sở giáo dục mầm non (MN) được tổ chức thí điểm cho trẻ làm quen với ngoại ngữ khi bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên có bằng tốt nghiệp CĐ sư phạm ngoại ngữ, CĐ ngoại ngữ trở lên, đạt năng lực ngoại ngữ bậc 4 trở lên theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc.
Cấm rồi lại cho!
Quyết định mới này đã dỡ lệnh cấm dạy ngoại ngữ cho trẻ trong trường MN do chính Bộ GD-ĐT ban hành 1 tháng trước đó. Theo công văn ngày 18-2, các cơ sở MN tuyệt đối không dạy thêm ngoại ngữ cho trẻ, không quảng bá, tiếp thị các chương trình, phần mềm làm quen với ngoại ngữ. Nguyên nhân là do một số cơ sở giáo dục MN tổ chức dạy ngoại ngữ thu tiền của phụ huynh nhưng không bảo đảm chất lượng và hiệu quả, ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ và việc thực hiện chương trình giáo dục MN.
Hai văn bản chỉ đạo trái ngược nhau này khiến dư luận đặt vấn đề phải chăng Bộ GD-ĐT không xác định được có cần thiết hay không dạy ngoại ngữ cho lứa tuổi này, thậm chí là chưa nghiên cứu kỹ hết những tác động khi ban hành văn bản?
Trước đó, việc Bộ GD-ĐT cấm dạy ngoại ngữ trong trường MN đã khiến nhiều trường lúng túng. Tại buổi làm việc về mô hình trường chất lượng cao của Hà Nội giữa tháng 3-2014, nhiều hiệu trưởng, nhà quản lý cấp quận - huyện đã đồng loạt lên tiếng đề nghị Sở GD-ĐT TP giải đáp việc có dừng hẳn dạy tiếng Anh trong trường MN hay không. Bà Vũ Ngọc Dự, Hiệu trưởng Trường MN Mai Dịch (quận Cầu Giấy), cho rằng theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội, trường MN chất lượng cao được dạy tiếng Anh nhưng điều này lại mâu thuẫn với quyết định của Bộ GD-ĐT.
Đến khi Bộ GD-ĐT cho dạy ngoại ngữ trở lại thì các trường càng mơ hồ hơn bởi những tiêu chí để được phép dạy cũng rất chung chung. Phụ trách MN một phòng GD-ĐT của TP HCM thừa nhận việc cấm rồi cho phép dạy trở lại cho thấy bộ thiếu chuyên nghiệp.
“Như thế nào gọi là đủ điều kiện, cơ sở vật chất bảo đảm? Chắc chắn sẽ nảy sinh tình trạng các chương trình ngoại ngữ đổ bộ vào trường MN. Phụ huynh nằm ở thế đã rồi, việc chọn lựa không còn là quyền của họ nữa mà thuộc về bên nào chịu chi “hoa hồng” cho các trường mạnh tay hơn. Còn về trình độ giáo viên, lứa tuổi MN học ngoại ngữ cần chú trọng cách phát âm, đòi hỏi trình độ giáo viên phải chuẩn. Nếu đáp ứng tiêu chuẩn của bộ, liệu họ có chịu dạy bậc MN?” - vị cán bộ này băn khoăn.
Nhiều trường vẫn xé rào
Thực tế, dù Bộ GD-ĐT có cấm hay không thì nhiều trường MN vẫn giảng dạy ngoại ngữ cho trẻ theo kiểu mạnh ai nấy làm do không có chương trình chính quy.
Từ tháng 10-2011, Sở GD-ĐT TP HCM đã đồng ý cho Công ty TNHH Dịch vụ giáo dục Poly (Hàn Quốc) đưa chương trình tiếng Anh vào giảng dạy thí điểm tại 4 trường MN, gồm: MN TP HCM, MN Bé Ngoan (quận 1), MN Tuổi Thơ 7 (quận 3) và MN Vàng Anh (quận 5).
Về lý do chọn chương trình của Poly, theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng Phòng Giáo dục MN Sở GD-ĐT TP HCM, qua những buổi dự giờ, sở nhận thấy chương trình này đáp ứng yêu cầu. “Họ tôn trọng mình nên mới thông qua sở. Nếu họ không thông qua mà tự hợp đồng với trường thì chúng tôi cũng đành chịu vì đây không phải là chương trình chính quy. Các chương trình được áp dụng ở mỗi trường khác nhau nên sở không kiểm soát hết!” - bà Dung giải thích.
Lâu nay, việc giảng dạy ngoại ngữ do các trường và phụ huynh thỏa thuận. Chẳng hạn, Trường MN Hoa Mai (quận 3) chọn liên kết với Trung tâm Anh ngữ Quốc tế Sài Gòn Aston với học phí 140.000 đồng/tháng theo nguyên tắc phụ huynh tham gia tự nguyện. Trong khi đó, Trường MN Tuổi Thơ 7 lại chọn liên kết với CEC để giảng dạy cho 2 lớp chồi và lá, học phí 60.000 đồng/tháng; còn Trường MN quận Tân Bình chọn chương trình của Poly.
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó Phòng GD-ĐT quận 3, cho hay toàn quận có 20/21 trường MN công lập tổ chức dạy ngoại ngữ. Việc chọn trung tâm nào sẽ do nhà trường và ban đại diện phụ huynh quyết định.
“Nhu cầu của phụ huynh cho con học ngoại ngữ rất lớn nhưng các trường MN chỉ giảng dạy ở môn năng khiếu. Các trường sau khi hợp đồng với trung tâm nào sẽ gửi về phòng để xem xét chương trình đó có được sở cho phép hay không. Còn về đội ngũ giáo viên, ngoài trình độ do các trung tâm cung cấp, phòng yêu cầu phải đạt chứng chỉ sư phạm phù hợp” - bà Nguyệt nói.
Theo bà Chung Bích Phượng, Phó Phòng GD-ĐT quận Tân Phú, toàn quận chỉ có Trường MN Rạng Đông tổ chức dạy ngoại ngữ cho trẻ. Song, vì nhà trường đã hợp đồng với trung tâm đến hết năm nên dù Bộ GD-ĐT có lệnh cấm thì trường cũng phải dạy cho đủ. Giáo trình giảng dạy do sở giới thiệu. Hơn nữa, các trường cũng chỉ xem ngoại ngữ là một môn năng khiếu nên không đặt nặng.
Mở lại theo đề nghị của các sở
Khi được hỏi về lý do “cấm rồi lại cho”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định quyết định mới này của Bộ GD-ĐT dựa trên tình hình thực tế. “Nghiên cứu của bộ cho thấy nếu trẻ làm quen với tiếng Anh ở những nơi được tổ chức tốt, chất lượng giáo viên bảo đảm thì sẽ mang lại hiệu quả cao” - bà Nghĩa nói.
Theo bà Nghĩa, một số sở GD-ĐT đã trực tiếp làm việc với Bộ GD-ĐT đề nghị tiếp tục triển khai việc dạy tiếng Anh cho trẻ ở các cơ sở MN có điều kiện.
Bình luận (0)