xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giáo viên tiếng Anh vênh chuẩn, vì sao?

Lan Anh - Huy Lân

Việc đào tạo giáo viên tiếng Anh từ các trường sư phạm không theo chuẩn; bậc tiểu học hiện không có biên chế cho giáo viên tiếng Anh nên không thu hút được giáo viên giỏi

Tỉ lệ giáo viên (GV) tiếng Anh chưa đạt chuẩn lên tới gần 75% ở bậc tiểu học và 90% ở bậc THPT mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố là con số gây lo lắng. Trong khi đó, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng tình trạng GV tiếng Anh không đạt chuẩn là dễ hiểu bởi từ trước đến nay, đào tạo GV... không có chuẩn.

Không có biên chế, trả lương ít

Chị Nguyễn Lan Chi - phụ huynh học sinh lớp 5 tại một trường tiểu học của quận Cầu Giấy, Hà Nội - cho biết con gái chị thường xuyên phàn nàn về giờ học tiếng Anh ở lớp. “Đi học tiếng Anh ở trung tâm thì cháu rất hứng thú nhưng học ở trường thì cháu chán, thậm chí còn ghét môn học này. Cháu nói cô giáo dạy tiếng Anh ở trường phát âm không đúng như trong đĩa cũng như các cô giáo dạy ở trung tâm ” - chị Lan Chi kể lại và đem chuyện này nói với hiệu trưởng thì được giải thích rằng vì nhà trường không có biên chế cho GV tiếng Anh nên trường phải ký hợp đồng với GV bên ngoài. “Cô hiệu trưởng cũng cho biết thu nhập GV ngoài biên chế rất thấp, trong khi không có thêm khoản thu nhập nào khác nên rất khó thu hút được GV có chất lượng như yêu cầu mà Bộ GD-ĐT đặt ra, mong các phụ huynh thông cảm chờ trường tuyển GV khác” - chị Lan Chi kể.
 
img
Giờ học tiếng Anh tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận 4, TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh
 
Khó khăn trong việc tuyển chọn GV tiếng Anh của trường tiểu học này cũng là khó khăn chung của tất cả các trường trên toàn quốc. Chế độ đãi ngộ GV tiếng Anh còn thấp là nguyên nhân quan trọng khiến các trường khó kiếm được người giỏi tham gia giảng dạy. Bà Đoàn Thị Minh Công, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hải Dương, cho biết vì bậc tiểu học không có biên chế GV tiếng Anh nên chi phí để chi trả cho GV là vô cùng khó khăn, phải vận dụng theo cách xã hội hóa. Trong khi đó, nhiều GV cho rằng mức chi trả cho công tác xây dựng chương trình biên soạn giáo khoa, tài liệu giảng dạy, lương hợp đồng của GV quá thấp, không phù hợp thực tiễn. Bà Vũ Thị Tú Anh, Phó trưởng Ban Thường trực Đề án Ngoại ngữ quốc gia đến năm 2020, thừa nhận chế độ đãi ngộ với GV thấp do tiếng Anh chưa phải môn học bắt buộc ở bậc tiểu học trong khi biên chế GV bậc này rất ít. Số tiết chuẩn 18 tiết/tuần nhưng thực tế có GV dạy 30-40 tiết/tuần.

Đào tạo chuẩn quốc tế theo kiểu... Việt Nam!

Theo thống kê mới nhất của Ban Thường trực Đề án Ngoại ngữ quốc gia đến năm 2020, sau 3 năm triển khai đề án (2011-2013), tổng hợp báo cáo của 42 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho thấy tỉ lệ GV tiếng Anh phổ thông chưa đạt chuẩn năng lực ngôn ngữ theo quy định vẫn rất cao. Cụ thể, gần 75% GV tiếng Anh tiểu học và gần 90% GV tiếng Anh THPT chưa đạt chuẩn năng lực ngôn ngữ. Theo PGS-TS Phan Quế, Phó trưởng Ban Thường trực Đề án Ngoại ngữ quốc gia đến năm 2020, kết quả khảo sát một số đơn vị cho thấy nếu chiểu theo khung chuẩn châu Âu thì bậc THPT có tới 98% GV chưa đạt yêu cầu. Yêu cầu đặt ra là GV phải có trình độ C1 nhưng hiện nay tuyệt đại đa số GV mới chỉ đạt chuẩn trình độ ở mức độ B1 và B2.

Tại TP HCM, ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD- ĐT TP, cho biết qua khảo sát sơ bộ, tỉ lệ GV tiếng Anh ở bậc tiểu học, THCS, THPT chưa đạt chuẩn ở TP chiếm khoảng 50%. Ông Chương cho rằng tỉ lệ GV không đạt chuẩn là vấn đề “lịch sử để lại” vì từ trước đến nay chuẩn của GV tiếng Anh lại là chuẩn Việt Nam, nay ngành GD-ĐT áp dụng chuẩn châu Âu, tức chuẩn quốc tế, thì nhiều GV không đạt là dễ hiểu.

TS Đặng Văn Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo khu vực SEAMEO tại Việt Nam, cũng không bất ngờ trước tỉ lệ GV tiếng Anh không đạt chuẩn. Theo ông Hùng, từ sau 1975 đến nay, đầu ra của giáo sinh ngành tiếng Anh ở các trường ĐH chưa bao giờ có chuẩn chung. Nghĩa là sinh viên cứ hoàn thành chương trình đào tạo ở trong trường theo chuẩn của Việt Nam thì nghiễm nhiên ra trường làm GV. “Đào tạo kiểu Việt Nam mà dùng tiêu chuẩn quốc tế làm thước đo thì vênh là phải” - TS Hùng nói.

Nhiều tỉnh không có GV đạt chuẩn

Theo khảo sát trình độ GV ngoại ngữ của Sở GD-ĐT tỉnh Hải Dương thì chỉ có 14% GV cấp tiểu học và THCS đạt chuẩn; ở bậc THPT, kết quả còn tệ hại hơn khi chỉ có 4% GV đạt yêu cầu đề ra. Trong khoảng 700 GV tham gia sát hạch, chỉ có chục người vượt qua đợt kiểm tra đầu tiên của Bộ GD-ĐT. Trong số những người trượt, có người chưa đạt trình độ B1 nhưng vẫn đang dạy tiếng Anh theo chương trình tự chọn ở trường, thậm chí có những GV có trình độ năng lực ngoại ngữ thấp hơn so với chuẩn từ 3-4 bậc.

Bà Vũ Thị Nga, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thái Nguyên, cho biết tỉnh chỉ có 12 người đạt B1 và B2, chưa có ai đạt C1. Tại tỉnh Bắc Kạn, kết quả khảo sát trên 250 GV cho thấy tất cả đều không đạt chuẩn. Con số GV đạt chuẩn tại tỉnh Lạng Sơn là 50/780 người được khảo sát trình độ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo