Thực tế từ những vụ xâm hại tình dục trẻ em gần đây cho thấy bất cứ lúc nào hay nơi nào, khả năng trẻ bị xâm hại cũng đều có thể xảy ra - trong vườn hoa, tại nhà, trong thang máy… Điều đáng nói là những đối tượng thực hiện hành vi xâm hại có thể chính là những người thân quen, có trình độ học vấn cao, cả già lẫn trẻ… Chính vì thế, những bậc phụ huynh cần phải nghiêm túc nhìn nhận vấn đề trang bị cho con em mình kỹ năng, kiến thức về vấn đề nêu trên, đồng thời tạo môi trường an toàn nhất đối với trẻ.
Một khóa dạy kỹ năng phòng vệ cho trẻ tại TP HCM
Tình trạng "nước tới chân mới nhảy" hoặc đào tạo kỹ năng kiểu "mì ăn liền" như hiện nay thực sự không ổn. Có ý kiến cho rằng cần phải trang bị khả năng phòng vệ cho trẻ bằng cách học võ. Tuy nhiên, liệu giải pháp này có thực sự mang lại hiệu quả như mong muốn?
Võ sư Lê Hoàng Mai chia sẻ với chúng tôi: "Là một võ sư nhưng tôi không nghĩ đây là ý kiến hay. Thực tế, học võ là để rèn luyện sức khỏe cũng như kỹ năng cho các bé. Không thể áp đặt vũ lực lên con trẻ. Hơn hết, trẻ không thể tự vệ được trước kẻ xấu bởi không ai đứng yên cho chúng ta đánh. Khả năng chống cự của trẻ rất thấp. Thay vì học võ, tôi nghĩ trang bị kỹ năng mềm cho trẻ sẽ thiết thực hơn".
Đồng quan điểm trên, cô Lê Thiên Trân, giáo viên dạy phương pháp Montessori tại TP HCM, phân tích: "Trước một thông tin nào đó thì ba mẹ sẽ là người dễ tiếp cận hơn là con trẻ. Gia đình sẽ là tấm gương sáng nhất, ba mẹ sẽ là người định hướng cho con. Bằng cách này hay cách khác, tôi dạy con về khả năng tự vệ; tâm sự, gần gũi với con để con có thể xem mình là người bạn và dễ dàng chia sẻ; tôi để con tự lập trong phạm vi nhất định mà mình có thể quan sát được trước kẻ xấu...".
Như vậy, việc tạo một môi trường sống lành mạnh, một hành lang để con trẻ vừa có thể tự lập vừa có thể được bảo vệ kịp thời trước những nguy cơ từ bên ngoài là hết sức cần thiết. Các bậc phụ huynh và nhà trường cần trang bị những kiến thức về giáo dục giới tính; tập cho trẻ biết cơ thể mình là hết sức quý báu, không phải ai cũng có thể chạm đến được; không ở nơi vắng vẻ một mình, biết cách xử lý khi có cảm giác không an toàn. Đồng thời, phụ huynh cũng không được thờ ơ, lơ là, tạo điều kiện cho cái ác xảy ra.
Các chuyên gia cho rằng để an toàn cho chính bản thân và gia đình thì mọi người nên tự trang bị kỹ năng ứng phó trước kẻ xấu. Cha mẹ không tạo điều kiện cho kẻ xấu tiếp cận trẻ, không để trẻ đi một mình mà không kiểm soát. Không nên để trẻ đi đêm, đến nơi vắng vẻ mà không có người thân bên cạnh.
Bên cạnh đó, cần cho trẻ tham gia các khóa học kỹ năng phòng vệ; cùng định hướng, chia sẻ với trẻ khi thấy có các dấu hiệu thay đổi tâm sinh lý…
Bình luận (0)