Vậy vấn đề đặt ra trong chiến lược giáo dục, tại các hội nghị giáo dục thường niên có tính đến thực trạng nhức nhối này không?
Theo thống kê của văn phòng tổ chức Y tế thế giới mỗi năm Việt Nam có gần 6.400 người chết đuối, 2/3 trong số đó là trẻ em. Phần lớn chết do không biết bơi hoặc thiếu kỹ năng cứu người khi bị đuối nước. Vậy vấn đề đặt ra trong chiến lược giáo dục, tại các hội nghị giáo dục thường niên có tính đến thực trạng nhức nhối này không?
Dù cố gắng kìm nén cảm xúc đến đâu, chúng tôi cũng không thể ngăn cho nước mắt đừng rơi khi đọc tin tức về cái chết thương tâm của 9 em học sinh lớp 6B Trường THCS Nghĩa Hà, Quảng Ngãi do đuối nước. Sau sự việc, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Quảng Ngãi có chia sẻ rằng, sẽ “đề nghị các trường học trên địa bàn triển khai mạnh đề án giáo dục kĩ năng sống mà Bộ GD-ĐT đã ban hành”. Tại sao bây giờ mới đề nghị mà không chủ động triển khai sớm hơn? Ở ta hay có tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”. Chuyện đáng tiếc xảy ra rồi mới cùng nhau rút ra bài học kinh nghiệm.
Việc đổ lỗi không có kinh phí xây dựng hồ bơi để dạy bơi cho học sinh liệu có thuyết phục không? Có sự chênh nhau quá lớn trong đầu tư. Ở thời điểm hiện tại, tất cả các tỉnh thành trên toàn quốc vốn đang có các trung tâm hành chính rất ổn. Nhưng tỉnh nào cũng toan xây lại với kinh phí hàng trăm ngàn tỉ đồng. Số tiền ấy có thể xây được bao nhiêu ngôi trường có đủ thư viện, hồ bơi…cho con em. Có ai tính được thế không khi hầu hết trong các bài phát biểu đều trích dẫn những lời có cánh: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, “ Đầu tư cho thế hệ trẻ là đầu tư cho tương lai đất nước”!?
Để thấy, mặc dù chủ trương chính sách về giáo dục của ta đã có nhiều chuyển biến nhưng chương trình giáo dục vẫn còn nhiều lỗ hổng lớn. Hàng năm nhiều đoàn cán bộ chuyên gia ra nước ngoài học tập rồi cải cách thay đổi nội dung chương trình, phương pháp dạy học tiêu tốn hàng trăm tỉ đồng nhưng rốt cục chương trình vẫn quá tải, nặng tính hàn lâm, cũ kỹ, lạc hậu. Trong lúc cái cần thiết cơ bản nhất là dạy kỹ năng sống, kỹ năng thực hành nghề nghiệp cho trẻ thì ít được quan tâm hoặc đưa vào cho có rồi vin cớ vì khó khăn này rào cản nọ nên chưa thực hiện đến nơi đến chốn.
Hẳn ai cũng còn nhớ tiếng hét lớn của cô bé người nước ngoài trong đợt sóng thần tại Phukhet Thái Lan: “ Mọi người lên bờ đi, sắp có sóng thần đấy!” đã cứu được rất nhiều người khi em liên hệ hiện tượng mực nước biển xuống thấp bất ngờ cùng với bong bóng nổi với bài học địa lí trong nhà trường trước đó, khiến nhiều người lớn phải ngả mũ. Không thể phủ nhận những kiến thức, kĩ năng sống được trang bị trong nhà trường đã giúp con người thoát hiểm ngoạn mục thế nào trong rất nhiều trường hợp.
Thực ra thì mấy năm gần đây, Bộ Giáo dục – Đào tạo đã thực sự quan tâm đến việc dạy kỹ năng sống cho học sinh. Tuy nhiên quá trình triển khai vẫn chưa có sự đồng bộ, việc kiểm tra giám sát vẫn chưa được quan tâm một cách đầy đủ chặt chẽ ở các địa phương. Yêu cầu cấp bách đặt ra ở đây là phải có một bộ chương trình chuẩn cho các cấp học phù hợp với tình hình nước ta. Trong đó phải quan tâm cả ba tiêu chí kiến thức, thái độ và kỹ năng.
Làm sao những nội dung giáo dục thiết thực phải được triển khai một cách thiết thực hiệu quả. Đừng để xảy ra hậu quả đáng tiếc mới hạ quyết tâm “ sẽ rà soát”, “sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc”… Bởi trong thực tế, nhiều khi bài học được rút ra thì đã phải đánh đổi cả những giá trị vô giá để rồi đau đớn, tiếc nuối!
Bình luận (0)