Hội nghị trực tuyến tổng kết tuyển sinh năm 2019, triển khai công tác tuyển sinh năm 2020 trình độ ĐH, CĐ đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức chiều 13-2 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.
Nhiều trường có tổ hợp không phù hợp
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), năm 2019 đã hoàn thiện quy chế, quy trình tuyển sinh; công nghệ thông tin được áp dụng triệt để trong tất cả các khâu tuyển sinh; bảo đảm khoa học, khách quan, công khai, minh bạch, giảm tối đa số thí sinh ảo và kiểm soát tình trạng vượt chỉ tiêu tuyển sinh… Tuy nhiên, công tác tuyển sinh năm 2019 vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Đó là một số cơ sở đào tạo xác định tổ hợp không phù hợp với ngành đào tạo; quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào thấp hoặc nhập điểm sàn, các điều kiện sơ tuyển lên hệ thống không đúng với đề án tuyển sinh đã công bố… Tỉ lệ thí sinh trúng tuyển, nhập học vào ngành sư phạm thấp. Một số ngành chỉ có ít thí sinh đủ điểm sàn, không đủ điều kiện để mở lớp… Một số cán bộ làm công tác tuyển sinh chưa nắm bắt được quy trình và nhiệm vụ, thậm chí còn có sai sót…
Ngoài ra, vẫn còn hiện tượng nhập thiếu, không nhập, nhập không đúng thời gian, cấu trúc, nội dung… theo quy định về việc nhập danh sách thí sinh trúng tuyển, thí sinh xác nhận nhập học, thí sinh đã nhập học lên hệ thống. Có điểm tiếp nhận chưa kiểm tra hồ sơ thí sinh hoặc không hướng dẫn hiệu quả cho học sinh (ví dụ chính sách ưu tiên), dẫn đến khi nhập học không được chấp nhận, phải giải quyết từng trường hợp với các trường liên quan.
Cũng theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, tỉ lệ thí sinh trúng tuyển đợt 1 cao (115,39% chỉ tiêu) nhưng nhập học thấp (63,89% so với số trúng tuyển) do trường không nhập đầy đủ danh sách xác nhận nhập học lên hệ thống. Một số trường phổ thông còn chạy theo thành tích về tỉ lệ học sinh đỗ ĐH.
Thí sinh thi THPT quốc gia 2019 tại TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Nhiều điều chỉnh cho năm 2020
Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, tuyển sinh năm 2020 sẽ có một số dự kiến thay đổi so với năm 2019. Cụ thể, sẽ tích hợp các nội dung điều chỉnh tuyển sinh đào tạo chính quy, vừa làm vừa học, văn bằng 2... vào cùng một quy chế tuyển sinh để dễ tra cứu, áp dụng.
Ngoài ra, sẽ quy định các nguyên tắc và mở rộng quyền tự chủ đối với các trường tổ chức thi tuyển sinh (thi các môn văn hóa, năng khiếu, đánh giá năng lực...) nhằm điều chỉnh pháp luật sát với thực tế, bảo đảm chất lượng đầu vào và nâng cao trách nhiệm giải trình của các trường. Bộ cũng sẽ tiếp tục quy định tiêu chí xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên, sức khỏe. Đặc biệt, bổ sung quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đồng bộ giữa các hình thức, loại hình đào tạo của 2 khối ngành này.
Liên quan đến công tác chuẩn bị tuyển sinh, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị các sở GD-ĐT chỉ đạo các trường tập trung dạy học, ôn tập theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Đề thi năm nay về cơ bản giữ ổn định như năm 2019, nên việc học, ôn thi phải hết sức cơ bản, tránh học lệch, học tủ. Bên cạnh đó, điểm học bạ phải bảo đảm khách quan, trung thực, khuyến khích học bạ điện tử và kết quả điểm phải minh bạch, làm cơ sở tin cậy cho cơ sở giáo dục ĐH tuyển sinh bằng phương thức xét học bạ.
Bộ trưởng cũng nhắc đến việc phòng chống dịch bệnh Covid-19 và cho biết Bộ GD-ĐT đang theo dõi sát sao diễn biến dịch bệnh để có chỉ đạo kịp thời. Các trường, bên cạnh công tác phòng chống dịch bệnh, cần chuẩn bị phương án học bù để bảo đảm chương trình giáo dục.
Về việc xây dựng phương án tuyển sinh của các trường, bộ trưởng nhấn mạnh đây là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của các cơ sở giáo dục trong giai đoạn này. Khi xây dựng phương án tuyển sinh cần phải tính toán kỹ việc mở ngành, tránh tình trạng chỉ căn cứ vào nhu cầu nhất thời của một số đơn vị mà mở ra một ngành mới; không đưa ra tổ hợp xét tuyển thiếu cơ sở khoa học và căn cứ thực tiễn. "Tôi đề nghị năm nay phải chấm dứt tình trạng này. Khi mở ngành mới phải có căn cứ khoa học và thực tiễn, nếu không, dẫn đến quyền lợi người học không bảo đảm và uy tín trong hệ thống bị rủi ro" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ông Phùng Xuân Nhạ cũng nhắc đến thực trạng có trường xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh chưa sát với thực tiễn, dẫn đến nhu cầu người vào học ít, một số trường căn cứ vào đó để hạ ngưỡng đầu vào. "Tôi khuyến cáo trường nào dùng "kỹ thuật" này cần lưu ý" - bộ trưởng nói và đề nghị Vụ Giáo dục ĐH phối hợp với các vụ, cục khác hỗ trợ các trường ngay từ khâu hướng dẫn xây dựng đề án tuyển sinh chứ không phải có đề án xong mới báo lên để thẩm định. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ còn yêu cầu sự minh bạch, tự chủ phải gắn với trách nhiệm giải trình nên mọi thông tin liên quan đến đề án tuyển sinh cần được số hóa, rõ ràng.
Chỉ 70% thí sinh nhập học
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, toàn hệ thống giáo dục ĐH năm 2019 có 529.754 chỉ tiêu, tỉ lệ nhập học là 411.603, đạt 77,7%. Tuy nhiên, chỉ có 49,86% số trường đạt chỉ tiêu tuyển sinh trên 70%; 66,2% số trường đạt trên 50% chỉ tiêu.
Số thí sinh nhập học các ngành đào tạo giáo viên là 27.373; trong đó, trình độ ĐH là 16.742, đạt 70,89%; trình độ CĐ là 8.537, đạt 46,12%; trình độ trung cấp là 2.094, đạt 30,34% so với chỉ tiêu (năm 2018 có 24.484 thí sinh nhập học ngành sư phạm).
Giữ nguyên lệ phí tuyển sinh
Thảo luận tại hội nghị, phần lớn các đại biểu thống nhất với những nội dung được Bộ GD-ĐT nêu ra song các trường cũng bày tỏ sự băn khoăn về việc thu lệ phí đăng ký xét tuyển. Theo Bộ GD-ĐT, mức giá dịch vụ tuyển sinh thuộc trách nhiệm các cơ sở giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT không quy định mức thu, phân khai giá dịch vụ tuyển sinh nhưng công tác tuyển sinh năm 2020 vẫn phải thực hiện ổn định như các năm trước để thí sinh chủ động quy trình và ổn định tâm lý...
PGS-TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho hay lệ phí tuyển sinh năm trước như thế nào năm nay sẽ giữ mức ổn định như thế. Ông Sơn cũng đề nghị các sở GD-ĐT hỗ trợ thu lệ phí xét tuyển giúp các trường ĐH. Đồng ý với ý kiến này, PGS-TS Bùi Đức Triệu, Trưởng Phòng Đào tạo - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, cho biết với kinh nghiệm thực tế làm công tác tuyển sinh những năm vừa qua, việc thu phí đăng ký xét tuyển kết hợp nộp hồ sơ tuyển sinh tại các trường phổ thông có ý nghĩa xã hội rất lớn, tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng. Tuy nhiên, ông Triệu thừa nhận nếu thu như vậy thì công việc của các thầy cô cấp THPT vất vả hơn.
Về việc thu lệ phí công tác tuyển sinh, ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho hay lệ phí công tác tuyển sinh các trường thu bao nhiêu thì chuyển về các trường ĐH bấy nhiêu. "Cuối mỗi đợt tuyển sinh, bản thân tôi bị nhiều kế toán các trường "đòi nợ". Tôi cũng đề xuất rằng bộ nên yêu cầu các trường công khai số tài khoản để các trường phổ thông chuyển khoản. Năm ngoái có tình trạng số tài khoản một số trường không chính xác, gây khó khăn cho việc giao nhận lệ phí tuyển sinh" - ông Đại nói.
Trước thực tế này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho hay bộ thống nhất sẽ giữ ổn định lệ phí tuyển sinh như 3 năm qua, đồng thời đề nghị các trường ĐH nhanh chóng công khai số tài khoản, tên trường về các sở GD-ĐT.
Bình luận (0)