Chị Phạm Thanh Nga, công nhân ở quận Tân Bình, có con vừa tròn 12 tháng tuổi nhưng không thể gửi vào trường mầm non (MN) công lập vì không có KT3 và hộ khẩu tại quận. Bên cạnh đó, vì phải làm ca nên không thể đưa đón con theo giờ của trường công nên chị đành tìm đến một nhóm trẻ gia đình.
Lớp vắng hoe
Năm học 2014-2015, TP HCM thí điểm nhận trẻ từ 6-18 tháng tuổi ở 8 quận - huyện, gồm: 7, 12, Thủ Đức, Tân Phú, Bình Tân, Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè. Mỗi quận - huyện thí điểm 1-2 trường MN công lập. Nhưng theo ghi nhận, đến thời điểm này, nhiều trường chỉ nhận được 1-2 hồ sơ, thậm chí có trường dù đã chuẩn bị phòng ốc khang trang, sạch sẽ nhưng không có trẻ vào học.
Tại huyện Nhà Bè, Trường MN Họa Mi 2 được đầu tư để thí điểm với một phòng rộng 70 m2, ghế rung, nôi cũi, xe tròn…nhưng đến nay mới chỉ có 1 hồ sơ đăng ký vào nhóm lớp 6-12 tháng. Trường MN Hoa Anh Đào (phường Tây Thạnh) và Trường MN Phượng Hồng (phường Phú Trung) ở quận Tân Phú sẽ thí điểm nhận trẻ 6-18 tháng tuổi; mỗi nhóm có 12 trẻ do 3 giáo viên chăm sóc. Trường, lớp sẵn sàng nhưng đến nay chỉ có 2 hồ sơ nhập học lớp 6-12 tháng và 1 hồ sơ lớp 13-18 tháng.
Tại quận Bình Tân, một quận căng thẳng về chỗ học do áp lực về dân nhập cư và con công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất nhưng phụ huynh cũng không mặn mà. Trong buổi khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM vừa qua, báo cáo của phòng giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) cho biết quận tổ chức 2 trường MN công lập thí điểm là 19-5 và Hoa Hồng, chỉ tiêu 32 trẻ/trường nhưng hiện mỗi trường mới chỉ nhận được 2 hồ sơ trẻ 6 - 12 tháng tuổi.
Tại quận 10, ông Phạm Văn Đồng, Trưởng Phòng GD-ĐT, cho biết dù không phải là quận thí điểm trong năm nay nhưng trường vẫn đầu tư phòng học, đồ chơi, giáo viên để nhận trẻ tại Trường MN Măng Non I (trường chuẩn quốc gia), tuy nhiên đến nay, không có hồ sơ nào đăng ký vào nhóm lớp 6-12 tháng.
Còn nghịch lý
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP HCM, số trẻ 6-12 tháng tuổi toàn TP hiện là 43.130 nhưng chỉ có 286 cháu đến trường. Ông Trần Trung Hiếu, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 12, cho biết vì trẻ ở độ tuổi quá nhỏ nên phần lớn các gia đình đều để con ở nhà chăm sóc. Chỉ những gia đình công nhân, không có điều kiện và thiếu người trông giữ, cực chẳng đã mới đem con đi gửi.
Bà Chung Bích Phượng, Phó Phòng GD-ĐT quận Tân Phú, nêu thực tế: “Ở Tân Phú có 1 nhóm trẻ gia đình nhận trẻ từ 6 tháng mà phụ huynh tín nhiệm, phải xếp hàng để mong có suất gửi con mà cũng không được. Nguyên do là thời gian họ nhận trẻ linh hoạt, thứ bảy và chủ nhật cũng nhận. Thậm chí ngày nghỉ, trẻ khó ăn, gia đình cũng mang đến nhóm trẻ nhờ các cô cho ăn. Đến mức khi phòng vận động các gia đình đưa trẻ vào trường công gửi, phụ huynh vẫn không chịu” - bà Phượng nói.
Trong các buổi khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM tại một số quận, huyện vừa qua, nhiều ý kiến cho biết dù đề án ưu tiên cho con công nhân, gia đình nghèo nhưng vấp phải nghịch lý ở chỗ trẻ muốn vào các trường MN công lập trên địa bàn TP phải có hộ khẩu hoặc KT3, trong khi không phải gia đình nào cũng đáp ứng được tiêu chuẩn này.
Theo bà Phượng, quận Tân Phú gặp áp lực lớn về dân nhập cư nhưng chủ yếu lại làm nghề tự do, không có nhiều công nhân làm ở khu công nghiệp như quận Bình Tân, nếu bây giờ dễ dãi đầu vào rất dễ rơi vào tình trạng ưu tiên không đúng đối tượng. Hiện tiêu chí để nhận trẻ là con của cán bộ, công nhân viên chức có hộ khẩu tại quận; con của bố, mẹ giáo viên, gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại quận và con của bộ đội đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo.
“Có trường hợp những bà nội trợ ở nhà cũng muốn rảnh rang mà đem con đi gửi. Trong khi đó, con những gia đình công chức, viên chức khó khăn phải đi làm đúng giờ giấc cần được ưu tiên hơn nhưng lại không đủ điều kiện để gửi” - bà Phượng nói.
Để tâm đến nhu cầu của phụ huynh
Hiệu trưởng một trường MN tại quận Bình Tân cho biết quá ít phụ huynh quan tâm đến việc các trường tổ chức nhận trẻ từ 6 tháng cũng có nguyên nhân là do thời gian gấp gáp. Từ khi NQ 01/2014 của HĐND TP HCM thông qua thì đề án mới chỉ triển khai từ ngày 14-6, phụ huynh không có điều kiện tiếp cận với các kênh thông tin.
Nhưng để tránh rơi vào tình trạng “người cần không giúp, người giúp không cần”, các trường tổ chức thí điểm trong năm nay và những năm sau phải tính đến yếu tố nhu cầu của phụ huynh ở từng khu vực, điều kiện sống và dân cư khu vực đó như thế nào để đầu tư đúng và đủ. “Nếu xây trường nhận trẻ từ 6 tháng mà ở khu vực phụ huynh có điều kiện cho con học trường quốc tế; trong khi ở nơi khác, công nhân đỏ mắt tìm chỗ gửi trẻ thì có lỗi với các cháu lắm” - vị hiệu trưởng này nói.
Bình luận (0)