Hơn 963.000 thí sinh (TS) đã tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT trong ngày đầu tiên, 2-6. Nhận định cuối ngày của hầu hết các sở GD-ĐT đều cho thấy ngày thi đầu tiên đã diễn ra nghiêm túc, an toàn.
Ít sai sót
Theo báo cáo nhanh của các sở GD-ĐT, ngày thi đầu tiên ở tất cả các hội đồng thi đều diễn ra an toàn và nghiêm túc. Sau cơn mưa rào tối 1-6, thời tiết Hà Nội trở nên mát mẻ, tạo thuận lợi cho các TS bước vào kỳ thi. Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết có 10.910 TS hệ THPT đến dự thi môn văn (đạt 99,73%), 4.002 TS hệ giáo dục thường xuyên (đạt 98,67%). Kỳ thi diễn ra bình thường, an toàn, đúng quy chế, không có TS nào bị lập biên bản vì quay cóp.
Tại TPHCM, theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, trong số 109 hội đồng thi thì 39 hội đồng thi có cả TS hệ THPT và TS hệ bổ túc, dù phức tạp nhưng chưa xảy ra sự cố nào. Đánh giá sơ bộ của Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi cũng cho thấy kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc; không có TS, giám thị bị xử lý vì vi phạm quy chế thi.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, trưởng Ban Chỉ đạo thi của Bộ GD-ĐT, đánh giá kỳ thi diễn ra bình thường, an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế. Số TS đến dự thi đạt 99,8% đối với hệ THPT và 98,6% đối với hệ giáo dục thường xuyên.
Đề không khó
Bị tai nạn, nhiều TS vắng mặt
Theo báo cáo nhanh của Bộ GD-ĐT, trong ngày thi đầu tiên, cả nước có 8 giám thị bị đình chỉ công tác coi thi, 4 TS hệ THPT và 10 TS hệ giáo dục thường xuyên vi phạm quy chế bị đình chỉ thi, chủ yếu do lỗi mang điện thoại vào phòng thi.
Điều đáng tiếc là nhiều TS do bị bệnh và bị tai nạn giao thông đã không thể dự thi. Theo đó, tỉnh Quảng Ngãi có 29 TS bỏ thi; Gia Lai có 37 TS (trong đó có 2 TS bị bệnh nặng); Lâm Đồng có 133 TS; Đắk Nông có 21 TS (1 TS bệnh nặng, 1 TS bị tai nạn giao thông); Kon Tum có 11 TS; Ninh Thuận ở hệ THPT có 11 TS, hệ giáo dục thường xuyên có 19 TS, Cà Mau có 19 TS (2 TS tử vong do tai nạn giao thông trước ngày thi). 2 TS của hội đồng thi Trường THPT Thạnh An (huyện Vĩnh Thạnh) và Trường THPT Châu Văn Liêm (quận Ninh Kiều - TP Cần Thơ) cũng không tham dự kỳ thi trong ngày thi đầu tiên vì tai nạn giao thông.
BÊN LỀ Vượt sông ứng thí. Do không có hội đồng thi tại chỗ nên hàng chục thí sinh (TS) ở xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới - An Giang phải đi đò qua bên kia sông (thuộc TP Long Xuyên) để tham gia ứng thí. TS Hồ Lê Duy (hội đồng thi tại Trường THCS Nguyễn Trãi) cho biết em cùng với các bạn phải dậy từ 4 giờ mới kịp qua sông. T.Nốt 52 tuổi, 7 lần thi tốt nghiệp. Tại hội đồng thi Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Nam Trà My (Quảng Nam) có nhiều TS gây ngạc nhiên bởi đã lớn tuổi vẫn đến trường thi tốt nghiệp. Năm nay, hội đồng thi này có 163 TS dự thi nhưng đã có 14 TS từ 40 đến 52 tuổi. Phần lớn các TS lớn tuổi này đều đang công tác tại các cơ quan thuộc huyện Nam Trà My, là người dân tộc thiểu số và đã nhiều lần trải qua kỳ thi tốt nghiệp nhưng chưa đỗ. TS lớn tuổi nhất là ông Hồ Ngọc Viện (SN 1960, đang công tác tại xã Trà Mai). Ông Viện(ảnh) cho biết đây là lần thứ 7 dự thi, 6 lần trước vì nhiều lý do nên không đỗ. Tr.Thường |
Văn: Đề không đánh đố Câu 1 của đề là dạng trình bày hiểu biết chứ không đơn thuần tái hiện kiến thức theo kiểu học vẹt. Lấy một câu văn trong phần trữ tình ngoại đề tác phẩm “Số phận con người” của Sôlôkhốp để kiểm tra kiến thức hiểu biết của thí sinh (TS) về nội dung tác phẩm. Nếu không nắm rõ phần kết của tác phẩm sẽ khó trả lời đúng 2 ý cuối của câu hỏi. Do đó, số TS đạt điểm tối đa ở câu hỏi này sẽ không nhiều. Câu 2 (nghị luận xã hội) thuộc dạng đề giải thích ý kiến bàn về một hiện tượng trong đời sống xã hội. Đây là dạng đề khá dễ, nội dung yêu cầu rõ ràng, TS dễ triển khai vấn đề nghị luận. Để đạt điểm trên trung bình, ngoài việc giải thích thế nào là dối trá, biểu hiện của thói dối trá trong muôn mặt đời sống, TS cần chứng minh rõ đây là biểu hiện của thói suy thoái đạo đức - vì đây là lối sống của những kẻ thiếu đạo đức, không có nhân cách; dối trá khiến cho mọi thang bậc giá trị trong xã hội bất phân, cái xấu cái ác được che đậy và có điều kiện lan tràn. Với câu 3, đề ra năm nay có khác những năm trước vì cả hai yêu cầutheo chương trình chuẩn và chương trình nâng cao đều thuộc các tác phẩm của chương trình học kỳ 1 (lớp 12) chứ không có tác phẩm nào ở học kỳ 2. Về yêu cầu phân tích đoạn thơ Việt Bắc, TS cần kết hợp phân tích nội dung và nghệ thuật. Đoạn thơ là khúc hát ân tình sâu nặng của người cán bộ cách mạng với đồng bào và căn cứ địa Việt Bắc, thể hiện mạch nguồn đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Tình nghĩa son sắt ấy được diễn đạt bằng thể thơ lục bát dạt dào âm hưởng ca dao dân ca, kết cấu đối đáp, cặp đại từ ta - mình sử dụng sáng tạo, linh hoạt và điệp từ “nhớ” đã tô đậm vẻ đẹp của hồn thơ Tố Hữu - thơ trữ tình chính trị. Câu 3b là câu khó nhưng khó không phải vì vấn đề nghị luận mà vì dung lượng kiến thức khá nhiều. TS phảilàm nổi bật vẻ đẹp hung bạo, dữ dội và vẻ đẹp trữ tình, thơ mộng của sông Đà qua áng tùy bút tài hoa, uyên bác của Nguyễn Tuân. Hy vọng với câu hỏi này sẽ có những bài viết mượt mà, sáng tạo, giàu chất văn của các TS khá giỏi. Thạc sĩ văn học Đặng Thị Huy Lam _(Giáo viên Trường Nguyễn Hữu Huân - TPHCM) Hóa: Cẩn thận sẽ đạt điểm 10 So với đề thi tốt nghiệp THPT những năm trước, đề năm nay có một số câu đã tiệm cận với đề thi đại học như câu 18 (mã đề 526) hỏi số chất lưỡng tính trong số các chất Al, Al2O3, Al (OH)3, AlCl3; câu 40 (mã đề 526) hỏi gốc glucozơ và fructozơ liên kết với nhau qua nguyên tử nào trong phân tử saccarozơ? Đề thi nằm gọn trong chương trình 12 và ở mức độ đơn giản nhất là các bài tập tính toán, chỉ cần sử dụng 1 phép tính đã có kết quả. TS chỉ cần học thuần túy sách giáo khoa là sẽ đạt điểm 10. Tuy vậy, nếu không cẩn thận sẽ không đạt điểm tuyệt đối do bị gài ở các câu tiệm cận với đề thi đại học như đã nói ở trên. Tuy nhiên, câu 40 (mã đề 526) đáng lý phải nằm ở chương trình nâng cao, vì lẽ chương trình chuẩn không học cấu tạo vòng của glucozơ và fructozơ nên học sinh không thể biết gốc glucozơ và gốc fructozơ trong phân tử saccarozơ liên kết với nhau qua nguyên tử nào. Ngoài ra, đề thi còn thiếu phần hóa học và các vấn đề liên quan đến môi trường, kinh tế xã hội nên thiếu tính thực tế. Nguyễn Đình Độ (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân - TPHCM) |
Bình luận (0)