Môn toán: Câu khó làm cuối cùng
Để làm tốt bài thi môn toán, đầu tiên phải học kỹ và nắm vững kiến thức toán lớp 10, 11 và 12, nhất là lớp 12, vì 80% nội dung đề thi nằm trong chương trình lớp 12.
Điều quan trọng đầu tiên sau khi đã có đầy đủ kiến thức là tình trạng sức khỏe. Không có sức khỏe tốt sẽ có những suy nghĩ thiếu sáng suốt, suy nghĩ không ra những điều bình thường có thể suy nghĩ ra. Thiếu sức khỏe đôi khi dẫn tới những sai lầm rất sơ đẳng. Do đó, trong những ngày gần thi không nên thức khuya để học.
Nên bình tĩnh và tập trung toàn bộ tâm trí vào việc làm bài. Bất cứ suy nghĩ nào cũng làm phân tâm và hao tốn năng lượng. Khi làm bài hãy quên đi chuyện đậu rớt, điểm thấp hay điểm cao. Thiếu bình tĩnh khiến ta làm sai những phép cộng bình thường mà học sinh lớp 1 vẫn làm đúng.
Trường ĐH Kinh tế TPHCM cấp phiếu báo danh được chỉnh sửa lại cho các thí sinh ở tỉnh (ảnh chụp lúc 14 giờ ngày 30 -6). Ảnh: N. Hữu
Hãy làm nháp ngay trong tờ giấy làm bài. Nếu đúng thì giữ nguyên, nếu sai thì gạch bỏ. Giám khảo chỉ chấm đúng hay sai chứ không chấm dài hay ngắn, dơ hay sạch, đẹp hay xấu. Có nhiều học sinh đã làm nháp xong rồi. Hết giờ, không kịp chép vào giấy thi nên nộp luôn giấy nháp. Dĩ nhiên là giám khảo không chấm phần làm bài trên giấy nháp. Hãy đọc lại đáp án của các đề thi năm trước để biết nên trình bày bài giải như thế nào sẽ đạt điểm tối đa.
Nên chọn câu nào dễ và quen thuộc thì làm trước. Câu khó nhất nên làm cuối cùng. Câu khó nhất của đề toán chỉ có 1 điểm, do đó nên quan tâm đến 9 điểm còn lại. Nên trình bày các bước trung gian thật cụ thể để khi dư giờ có thể dò lại dễ dàng hơn. Nếu làm xong bài mà chưa hết giờ, thì nên dò tới dò lui nhiều lần. Không nên ra sớm, dù là 1 phút.
Thạc sĩ Phạm Hồng Danh(Giảng viên Trường ĐH Kinh tế TPHCM)
Môn hóa: Chia đề thành 3 nhóm
Để đạt điểm cao, thí sinh phải chuẩn bị thật tốt những nội dung có trong cấu trúc đề thi mà Bộ GD-ĐT đã giới thiệu. Ngoài ra, yếu tố kỹ thuật cũng rất quan trọng.
Cách giải đề hợp lý là nên chia đề thành 3 nhóm và giải theo trình tự sau:
Nhóm 1: Là nhóm câu hỏi chỉ cần thuộc bài là thấy ngay đáp án hoặc chỉ cần suy luận nhẹ nhàng là đã biết câu trả lời. Gặp loại câu này, vừa đọc đề vừa tô thẳng vào phiếu trả lời. Nếu đọc thấy chưa có hướng giải thì nên chuyển sang câu khác.
Nhóm 2: Nhóm câu hỏi này đòi hỏi thí sinh phải vận dụng khả năng tư duy và các thủ thuật làm toán nhanh. Số lượng câu hỏi gặp ở nhóm này là nhiều nhất. Thí sinh giải được tốt nhóm này sẽ đạt được điểm cao. Nhóm câu hỏi này thường là có công thức riêng để giải, thí sinh không nên nghĩ theo hướng tự luận. Nếu không thấy hướng giải quyết thì nên để lại. Cần nhớ phần lớn các tính toán (khoảng hơn 35%) đều dùng công thức riêng để giải, cho nên khi gặp tính toán hãy tìm cách quy về các dạng đã học để áp dụng được công thức giải.
Nhóm 3: Là nhóm câu hỏi khó nhưng không nhiều câu. Cần bình tĩnh và đọc thật kỹ đề sẽ phát hiện cách giải quyết, hãy tìm cách đưa về các dạng toán đã học sẽ thấy cách giải, thực tế loại câu này là một kiểu ngụy trang khéo từ các dạng quen thuộc thường gặp.
Ngoài ra, phải chú ý nếu không đọc kỹ sẽ dễ bị sụp “bẫy”, ví dụ như các bài toán có phản ứng của Mg; Zn; Al với HNO3 thì coi chừng tác giả ngụy trang NH4NO3 trong dung dịch muối.
Cần nhớ đề thi trắc nghiệm thì các phương án trả lời cũng là đề. Do đó, đừng quên đọc kỹ các phương án trả lời khi chưa có hướng giải dễ.
Nguyễn Tấn Trung (Trung tâm Luyện thi Vĩnh Viễn)
Môn lý: Đọc lướt để xác định câu trả lời ngay
Không cần làm theo trình tự từng câu từ trên xuống mà nên lướt qua để xác định những câu có thể trả lời ngay. Do lý thuyết chiếm trung bình 45% câu hỏi nên cần ưu tiên làm trước. Khi làm phải đọc kỹ cả 4 đáp án vì các câu hỏi ở đề thi ĐH có mức độ kiểm tra cao hơn tú tài và thường tập trung vào bản chất các hiện tượng vật lý.
Khi đọc câu lý thuyết đến lần 2 mà vẫn chưa xác định được đáp án đúng thì nên chọn ngẫu nhiên và chuyển sang câu khác.
Bài tập cần ưu tiên những bài toán có một phép tính hoặc bài toán xuôi, khi đọc không thấy có thuật ngữ gây lầm lẫn. Muốn làm nhanh phải gạch dưới những thuật ngữ quan trọng (thí dụ “cứ... lại” nghĩa là nói về chu kỳ dao động của W, hoặc Wđ = Wt rồi kết nối với số liệu đề cho và số liệu đáp án với một trong các công thức đã học. Những câu hỏi phải chứng minh lại công thức mới làm được thì để làm sau cùng và không được dừng 1 câu quá lâu (hơn 2 phút).
Những bài tập viết phương trình dao động: con lắc lò xo, điện tử trong mạch LC, suất điện động, từ thông... có thể tìm ra đáp án nhanh nếu nhìn vào pha ban đầu ϕ trước tiên. Khi thấy 2 đáp án trùng nhau thì mới dò tiếp các công thức tính biên độ.
Có thể học trước ở nhà các kết quả không cần chứng minh về trị của biến và hàm nhờ phân loại: cực đại kiểu cộng hưởng, cực đại kiểu Cauchy, kiểu Parabol... nhờ đó rút ngắn thời gian cho các câu dùng phân loại học sinh khá.
Giữa những bài toán dao động cơ, sóng cơ và giao thoa ánh sáng có quan hệ tương đương về phương pháp giải nên cần hệ thống trước khi bắt đầu vào phòng thi. Thí dụ, tìm số bụng sóng thì giải bất phương trình 0 < a+k/2 < a; tính các bức xạ cho vân sáng trùng nhau tại 1 điểm cho trước thì giải 0,38 µm ≤ ax/DK ≤0,75 µm.
Các bài tập vật lý hạt nhân nếu thống kê trước cách tính năng lượng tỏa ra ∆E khi biết m, ∆m, E hoặc ∆E/ A thì chỉ cần mất dưới 1 phút cho mỗi câu.
Nguyễn Hữu Lộc (Giảng viên Trường ĐH Kinh tế TPHCM)
Cướp đề thi, đe dọa giám thị sẽ bị xử lý nghiêm
|
Bài làm có dấu riêng là phạm quy
D.Hằng |
Bình luận (0)