Đề tài nghiên cứu này đã vượt qua 165 đề tài tại vòng bán kết và hơn 30 đề tài tại vòng chung kết để đạt giải nhất Euréka lần thứ năm 2020, lĩnh vực kinh tế. Giải thường "Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka" do Thành Đoàn TP HCM phối hợp cùng ĐHQG TP HCM tổ chức dành cho các sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học trên phạm vi toàn quốc.
Chia sẻ về lý do chọn đề tài, sinh viên Nguyễn Thị Hoàng Trâm thuộc nhóm nghiên cứu cho biết, có nhiều ý tưởng lúc đầu nhưng trong quá trình tìm hiểu nhận thấy việc di cư lao động là một trong những vấn đề phổ biến trong xã hội nhưng ít được ai biết tới hay quan tâm tới sự ảnh hưởng, tác động đối với kinh tế nước nhà, cụ thể hơn là ảnh hưởng như thế nào đến sinh kế hộ gia đình. Vì vậy, nhóm quyết định chọn đề tài đó vì tính thực tế và có liên quan tới kinh tế, lĩnh vực mà nhóm rất quan tâm.
Nhóm nghiên cứu và các giảng viên hướng dẫn tại lễ trao giải
Theo TS Trần Nam Quốc, giảng viên hướng dẫn đề tài, đây là công trình nghiên cứu đầu tiên liên quan đến chủ đề di cư lao động với số năm quan sát trong nhiều năm và cung cấp cái nhìn toàn diện về sinh kế hộ gia đình. Nguồn dữ liệu được trích xuất từ điều tra mức sống hộ gia đình giai đoạn 2010-2018 của Tổng cục thống kê của 63 tỉnh, thành trên cả nước. Bằng hồi quy logistic và phương pháp so sánh điểm xu hướng (PSM), kết quả cho thấy các nguồn vốn vật chất, tài chính, tự nhiên và đặc biệt là vốn xã hội của hộ gia đình có thành viên di cư lao động phát triển tốt hơn so với những hộ không có người di cư. Tuy nhiên, đối với các hộ có người di cư lao động thì vốn con người lại kém phát triển và khả năng vay vốn của họ cũng nhiều hơn.
Theo đánh giá từ Ban tổ chức, các kết quả này là cơ sở góp phần đề xuất những chính sách giúp nâng cao mức sống và ổn định sinh kế cho cá hộ gia đình có người di cư tại Việt Nam trong giai đoạn mới.
TS Trần Nam Quốc cho biết thêm, về mặt khoa học, nghiên cứu này cung cấp thêm bằng chứng về tác động đa chiều của di cư lao động đến sinh kế của hộ gia đình cho trường hợp một quốc gia đang phát triển. Về mặt kinh tế và xã hội, nghiên cứu tập trung vào các chính sách liên quan đến việc quản lý các hoạt động di cư lao động. Phạm vi áp dụng nghiên cứu này mang tính toàn quốc và cho các quốc gia đang phát triển bởi vì đây là dữ liệu được khảo sát trên phạm vi cả nước và việc chọn mẫu có tính đại diện cao.
Bình luận (0)