Theo đánh giá của các giáo viên, đề thi tổ hợp khoa học xã hội có khoảng 75% số câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu với nội dung rõ ràng, không lắt léo. 25% số câu hỏi còn lại ở mức độ vận dụng và vận dụng cao dùng để phân hóa cho mục tiêu xét tuyển đại học. 90% tổng số câu hỏi thuộc kiến thức lớp 12 và 10% câu hỏi thuộc lớp 11 (riêng môn Đia lí, không thấy xuất hiện câu hỏi lớp 11).
Thí sinh sau khi kết thúc môn sáng 10-8 tại trường THCS-THPT Diên Hồng (Q 10, TP HCM) - Ảnh: Hoàng Triều
Phân tích đề thi môn lịch sử, các giáo viên của tổ xã hội, Trung tâm giáo dục Học mãi, cho rằng đề thi có sự tương đồng với đề tham khảo lần 2, đáp ứng mục tiêu xét tốt nghiệp. Đề thi có 70% câu hỏi thuộc phần lịch sử Việt Nam và 30% câu hỏi thuộc phần lịch sử thế giới. Phần lớn các câu hỏi thuộc kiến thức lớp 12 (90%), trong đó chuyên đề Lịch sử Việt Nam 1945-1954 xuất hiện nhiều câu hỏi nhất (9 câu), không xuất hiện câu hỏi thuộc chuyên đề Cách mạng khoa học kĩ thuật.
Đối với môn địa lý, đề thi nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 12 với 75% thuộc mức độ nhận biết - thông hiểu, trong đó có 14 câu hỏi sử dụng Atlat Địa lí Việt Nam (chiếm 35% tổng số câu hỏi trong đề thi). Việc có tới 14 câu hỏi sử dụng Atlat có thể coi là một lợi thế ghi điểm của thí sinh. Ngoài ra, những câu hỏi thuộc phần kiến thức 7 điểm chủ yếu thuộc hai chuyên đề Địa lí vùng kinh tế và Địa lí ngành kinh tế; 25% câu hỏi còn lại trải đều tất cả các chuyên đề của lớp 12 và tập trung vào chuyên đề Địa lí tự nhiên và Địa lí vùng kinh tế. Các câu hỏi cực khó thuộc chuyên đề địa lí tự nhiên và địa lí vùng kinh tế thuộc dạng bài so sánh, câu hỏi liên chuyên đề và đảm bảo tính phân hóa cho mục tiêu tuyển sinh.
Nói thêm về đề thi môn Địa lí, thầy Vũ Hải Nam, giáo viên Tuyensinh247.com, cho rằng học sinh chỉ xét tốt nghiệp có thể làm được trên 6 điểm. Học sinh khá có thể làm được trên 8 điểm và 5 câu hỏi lý thuyết cuối có sự phân hóa rõ rệt, mức độ khó tăng làm cơ sở để các trường ĐH, CĐ tuyển sinh.
Do đề thi tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội có độ phân hóa cao nên thí sinh khó đạt điểm 10 - Ảnh: Ngô Nhung
Ở môn giáo dục công dân, 75% câu hỏi thuộc mức độ nhận biết, thông hiểu; 25% câu hỏi còn lại bắt đầu có sự phân hóa. Những chuyên đề xuất hiện nhiều vẫn là những chuyên đề quen thuộc với thí sinh như thực hiện pháp luật; quyền bình đẳng của công dân trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội, công dân với các quyền tự do; công dân với các quyền dân chủ. "Các câu hỏi tương đối dễ, không đánh đố, không đòi hỏi quá nhiều tư duy" - cô Đoàn Thị Vành Khuyên, giáo viên Trung tâm Tuyensinh247.com, nhận định. Với các nội dung này, thí sinh không gặp khó khăn gì khi làm bài.
Thầy Phạm Quốc Toản, Trung tâm Tuyensinh247.com, đánh giá đề thi bám sát cấu trúc đề tham khảo của Bộ đã ban hành. Đề này có thể coi là "dễ thở" với học sinh có mục tiêu tốt nghiệp (dễ kiếm điểm 5), phân loại tốt với học sinh dùng môn vật lí để xét tuyển ĐH (8 câu cuối). Học sinh học "khá cứng" và học giỏi thì làm đến tầm câu 32 cảm thấy không quá khó khăn. "Dự kiến phổ điểm chủ yếu sẽ tầm từ 5 đến 7 điểm nhưng điểm từ 8,5-9,5 sẽ ít, còn 10 tuyệt đối thì chắc chắn vẫn rất rất hạn chế"- thầy Toản nhận xét.
Bình luận (0)