Thầy Lê Duy Tân, GV Trường THPT Gia Định nhận định, vấn đề đặt ra khá thú vị ở tất cả các phần, mang tính phân hóa cao, vừa sức với học sinh.
Thầy Tân cho rằng, đề thi vừa mang tính thời sự vừa khơi gợi cảm xúc; đáp ứng yêu cầu phân hóa thí sinh. Ra đề thi theo một chủ đề là một đột phá mới trong ý tưởng, cho thấy nỗ lực làm mới mình của đội ngũ ra đề bởi nhiều năm nay đề văn TP HCM luôn được cả nước đón nhận nồng nhiệt.
Đề thi sáng tạo, là cơ hội để học sinh lắng mình
Câu Đọc hiểu phân hóa theo 4 mức độ, vừa sức với học sinh. Vấn đề đặt ra ở câu d mang tính gợi mở cao, vấn đề đặt ra rất thú vị, đòi hỏi học sinh phải có những trải nghiệm cá nhân để nêu được quan điểm riêng.
Hình thức của câu NLXH đã xuất hiện trong đề thi các năm trước; vấn đề đặt ra không quá khó với học sinh THCS nhưng để viết sâu sắc cũng không phải là việc dễ dàng.
Câu NLVH là một sáng tạo so với cấu trúc đề các năm. Cách đặt vấn đề và dẫn dắt khá thú vị; mở ra nhiều lựa chọn cho HS trong việc trình bày cảm thụ của mình. Học sinh chỉ cần đọc kĩ đề để đảm bảo làm đúng yêu cầu đề sẽ có điểm tốt. Đề 2 về cơ bản không mới. Học sinh đã ôn luyện kĩ theo cấu trúc đề các năm có thể làm tốt.
ThS Nguyễn Thị Thu Hiền, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, quận 4 nhận định cấu trúc đề khá hợp lý, có đổi mới trong nội dung đề thi. Đề phản ánh các vấn đề thiết thực, nóng hổi trong đời sống xã hội khi đề cập đại dịch Covid - 19, ATM gạo, cách đối xử của con người với thiên nhiên, sự lắng nghe và thấu hiểu, biết chia sẻ... Trong đó, đặc biệt buộc thí sịnh đưa ra ý tưởng, giải pháp để nhìn nhận thay đổi lối sống của bản thân. Từ đó có ứng xử nhân văn hơn đối với cộng đồng, con người, thiên nhiên, môi trường.
Nói chung, câu đọc hiểu là đề tài gần gũi, thí sinh có thể đã hình dung trước và dễ lấy điểm.
Đối với câu 2 với chủ đề lắng nghe là một biểu hiện của yêu thương, phạm vi nội dung để bàn luận quá rộng đối với học sinh lớp 9. Nhiều bài làm sẽ đi xa với trọng tâm của đề.
Với câu nghị luận văn học, có 2 cánh cửa để học sinh chọn; học sinh khá giỏi có thể chọn đề 2. Về nội dung câu này khá mới mẻ và sinh động; phát huy được tính sáng tạo và kỹ năng vận dụng hiểu biết phong phú từ thực tế vào bài làm. Ngoài ra, thí sinh phải ứng dụng nhuần nhuyễn kiến thức liên văn bản.
“Tuy nhiên, tôi băn khoăn là câu nghị luận văn học mà nghiêng về thể hiện cảm nhận và bàn luận về thông điệp cuộc sống hơn là những hiểu biết, khám phá về cái hay, cái đẹp của tác phẩm văn học. Nếu ở câu 3, học sinh chỉ tập trung vào trình bày nội dung, ý nghĩa của văn bản thì liệu những giá trị nghệ thuật của những đoạn thơ trên có bị bỏ qua không?”, ThS Thu Hiền băn khoăn.
Bình luận (0)