Đó là những phản ánh của phụ huynh gửi đến chúng tôi về các hành vi của con khiến họ lo lắng trong thời gian nghỉ học tránh Covid-19 và thực hiện cách ly cộng đồng.
"Con chán quá!"
"Con tôi mới 5 tuổi nhưng khoảng 1 tuần nay sáng nào cũng nói "con chán quá" và rồi tôi chỉ cần mở phim hoạt hình là con vui vẻ lại ngay", "con tôi sắp chuyển sang cấp II vào năm tới nhưng cháu không chịu học online, uể oải cả ngày", "con tôi không năng động như trước, nhờ làm gì cũng chậm chạp, mặt buồn rầu", "tôi rất khổ sở khi ra khỏi nhà vì con tôi đòi theo, gào khóc rất dữ", "khi tôi yêu cầu việc gì, cháu cãi lại, lớn tiếng rồi sau đó gào khóc", "con tôi gọi Zalo với bạn suốt ngày"... Đó là những thông tin chúng tôi nhận được hằng ngày.
Trạng thái và cảm xúc này là điều rất bình thường, có thể mất đi khi cá nhân bắt đầu điều chỉnh được các hoạt động sinh hoạt thường ngày của mình hoặc các hoạt động này được thiết lập trở lại. Tuy nhiên, nếu sự hạn chế tương tác liên cá nhân tiếp diễn, sự buồn chán xảy ra trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần. Các cá nhân bị buồn chán kéo dài có thể dẫn đến những rối loạn tâm lý hoặc kích hoạt các tình trạng rối loạn tâm lý trước đây dẫn đến tái trầm cảm, rối loạn lo âu, stress hậu sang chấn (PTSD)… Trẻ em không dễ dàng tự vượt qua những cảm xúc tiêu cực, do vậy sự hỗ trợ của người lớn để giúp trẻ vượt qua tình trạng này là điều cần thiết. Phụ huynh cần có sự kiên nhẫn và đặt cảm xúc, sức khỏe tinh thần của con lên vị trí quan trọng để sẵn sàng giải quyết các vấn đề của trẻ.
Học trực tuyến ở nhà cũng có thể gây gò bó, buồn chán nên học sinh cần được hỗ trợ. Ảnh: NGUYỄN THUẬN
Tìm hiểu cảm xúc ẩn sâu
Đừng vội đưa ra giải pháp khi chúng ta chưa thực sự hiểu rõ cảm xúc và vấn đề của trẻ. Trong lúc này, sự đón nhận và ghi nhận cảm xúc của trẻ từ ba mẹ giúp trẻ cảm thấy được thấu hiểu, xoa dịu cảm xúc tiêu cực, tạo tương quan thích hợp cho việc tìm hiểu nguyên nhân trẻ buồn chán. Ba mẹ ghi nhận cảm xúc đang được trẻ thể hiện ra bên ngoài như buồn, khó chịu, nóng giận và những cảm xúc ẩn đằng sau những hành vi của trẻ như cô đơn, chán nản… Ví dụ, "mẹ thấy con hôm nay có vẻ không được vui", "dường như con đang mệt mỏi", "dạo này con hay căng thẳng và cô đơn"… Sau đó, cho trẻ một vài giây để phản hồi điều ba mẹ nhận thấy. Một số trẻ dễ dàng thừa nhận cảm xúc của mình nhưng với những trẻ lớn hơn, thường có xu hướng lẩn tránh.
Ba mẹ cần kiên nhẫn thể hiện thêm cho trẻ thấy lý do mình cảm nhận như vậy trước khi hỏi trẻ về nguyên nhân. Ba mẹ cũng có thể dành cho trẻ sự an ủi bằng hành động ôm, vỗ về… Những bước này sẽ dễ thực hiện với những gia đình có tương quan cởi mở giữa ba mẹ và con. Nếu gia đình chưa có được điều này, sự thiết lập tương quan cần thực hiện từ từ từng bước, đôi khi chúng ta cần sự hỗ trợ từ những người mà trẻ tin tưởng và thường chia sẻ, tâm sự.
Có những trẻ sẽ đột nhiên khóc trong lúc này, đó là tín hiệu tích cực cho việc sẽ sẵn sàng đón nhận sự hỗ trợ từ ba mẹ và hãy để trẻ khóc. Ba mẹ cũng không nên nóng vội bắt buộc trẻ phải nói ra nguyên nhân khi trẻ chưa muốn nói. Lúc này, sự thư giãn dành cho trẻ là phù hợp, như ba mẹ cùng con xem một bộ phim, tiểu phẩm hài…
Ba mẹ ở đây, bên con!
Với trẻ tiểu học, mầm non, sự buồn chán đơn giản có thể chỉ là vì trẻ bị gò bó trong một không gian nhỏ, thay vì không gian rộng lớn của trường học, thiếu hoạt động vui chơi cùng bạn. Với trẻ lớn, nguyên nhân có thể đa dạng hơn, như sự lây lan cảm xúc lo âu, buồn chán do các cá nhân trong gia đình thường xuyên chia sẻ lặp đi lặp lại nhiều lần trong ngày những thông tin gây lo âu về dịch bệnh, sự bi quan vì kinh tế gia đình giảm sút, bầu không khí tâm lý gia đình ngột ngạt… hoặc từ các thông tin tiêu cực mà trẻ đọc, xem được trên mạng xã hội; sự mất động lực học tập do trẻ chưa thích ứng việc chuyển từ học trực tiếp tại lớp sang trực tuyến; tổn thương tâm lý từ các mối quan hệ xã hội, đặc biệt là mối quan hệ yêu đương tuổi vị thành niên.
"Ba mẹ ngồi ở đây là muốn giúp con" hay "Ba mẹ sẽ giúp được con khi con nói cho ba mẹ biết điều gì khiến con buồn chán" là những câu nói phù hợp để khơi gợi trẻ nói lên những gì đang xảy ra. Sau khi đã biết được nguyên nhân, phụ huynh ưu tiên để trẻ nói điều trẻ muốn và hỗ trợ trẻ nhìn nhận vấn đề thấu đáo hơn để cùng nhau có giải pháp phù hợp thay vì áp đặt…
Tạo không khí gia đình vui vẻ
Phụ huynh cần cố gắng quản lý tốt stress của bản thân, tạo không khí gia đình vui vẻ, gia tăng sự tương tác tích cực giữa các thành viên, khen ngợi khi trẻ hoàn thành một nhiệm vụ, khuyến khích trẻ được khám phá, học tập kỹ năng hữu ích mới, cho phép trẻ tăng tương tác với bạn, người thân qua internet cũng như nới lỏng các nguyên tắc trong giới hạn nhưng vẫn giữ được sự bình ổn lịch sinh hoạt gia đình.
Bình luận (0)