Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, ông Lê Hoàng nhấn mạnh: "Những nơi đã tổ chức tốt tiết đọc sách cho học sinh, các em đã tiếp thu được những điều rất tích cực. Những cuốn sách đã góp phần hình thành nên nhân cách, phát triển trí tuệ, kỹ năng sống. Qua các buổi tọa đàm và lấy ý kiến của nhiều chuyên gia, phụ huynh, chúng tôi sẽ kiến nghị lên Chính phủ, Bộ GD-ĐT để chính thức đề nghị đưa tiết đọc sách vào khung giờ chính thức của nhà trường để hình hành và duy trì thói quen đọc sách góp phần phát triển văn hóa đọc trong gia đình, nhà trường và cộng đồng".
Ông Lê Hoàng khẳng định sẽ quyết tâm hiện thực hóa đề xuất đưa tiết đọc sách vào chương trình giáo dục.
Được biết Chương trình giáo dục phổ thông mới hướng đến việc hình thành và phát triển cho học sinh 5 phẩm chất chủ yếu: Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm; 10 năng lực cốt lõi gồm 3 năng lực chung (tự chủ và tự học; giao tiếp và hợp tác; giải quyết vấn đề và sáng tạo) và 7 năng lực đặc thù (ngôn ngữ; tính toán; khoa học; công nghệ; thẩm mỹ; tin học; thể chất).
Đồng ý kiến với ông Hoàng, PGS.TS Hoàng Thị Tuyết – Giám đốc Trung tâm Phát triển Văn hóa đọc và Kỹ năng sống Hướng Dương Việt cho biết: Những cá nhân tự giác ủng hộ việc giúp học sinh hình thành thói quen đọc sách với niềm tin rằng thói quen đọc sách vô cùng quan trọng. Vì vậy quyết tâm giúp học sinh phát triển đọc sách thông qua các tiết đọc sách cố định hàng tuần trong mỗi trường học. Bởi lẽ, cùng nhận thức – suy nghĩ như nhau thì sẽ cùng hành động nhất quán với nhau tạo nên thay đổi giống nhau. "Để có cái nhìn đa chiều và khách quan về tầm quan trọng của tiết đọc sách trong trường học, chúng tôi đã tìm hiểu và lắng nghe nhiều ý kiến của thầy cô, phụ huynh và học sinh. Đa phần đều nhất trí cao với đề xuất tăng cường việc đọc thành cố định trong trường học", bà Tuyết nói.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Giáo viên trường Tiểu học Triệu Thị Trinh (Quận 10) kiến nghị với Sở GD-ĐT: "Nên có một tiết đọc sách trong thời khóa biểu chính khóa, để các giáo viên có thời gian giúp học sinh đọc sách tốt hơn. Trong khi chờ đợi xem xét của Sở, tôi mong rằng trong năm học này Sở cho phép các trường thực hiện tích hợp tiết đọc sách trong tiết sinh hoạt lớp nhằm giúp học sinh phát triển tốt về mặt trí tuệ và tình cảm.
Hội Xuất bản Giáo dục Việt Nam, Sở GD-ĐT và Thành Đoàn TP. HCM cũng thống nhất sẽ ban hành thông báo liên tịch nhằm đẩy mạnh các giải pháp xây dựng thói quen đọc sách tác động tích cực đến sự hình thành và phát triển nhân cách của đội viên, học sinh trên địa bàn thành phố.
Bình luận (0)