Học sinh Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong TPHCM chúc mừng cô giáo ngày 20-11. Ảnh: Hoàng Triều
Danh mục khắc phục thường đa dạng, còn danh mục các hành động phòng ngừa bao giờ cũng có chữ “đào tạo” - đa phần lỗi xảy ra do người làm không được đào tạo đầy đủ.
Về bản chất, khắc phục một sự cố và làm sao để giảm thiểu khả năng sự cố đó xảy ra trong tương lai là 2 việc khác nhau và được ghi nhận khác nhau. Nếu một nhóm trẻ được dạy bơi và không bị chết đuối thì chẳng ai biết đến người dạy chúng, còn nếu một nhóm khác bị đuối nước và có người nhảy xuống cứu thì người đó sẽ trở thành anh hùng. Anh hùng luôn là những người khắc phục được một sự cố cụ thể. Mọi sự hiển hiện, ai cũng trông thấy, không cần chứng minh, không cần suy nghĩ. Chúng ta thích những anh hùng, tuy nhiên một dân tộc thông minh không hướng đến việc có nhiều anh hùng mà hướng đến giảm thiểu những tình huống đòi hỏi anh hùng.
Có một nghề cao quý, kiếm được nhiều tiền (hơn nhiều so với nghề dạy học) và tiêu biểu cho hành động khắc phục: nghề y. Tất nhiên cũng có y tế dự phòng nhưng hẳn là không nổi tiếng và được trọng vọng như bên điều trị. Ai cũng mang ơn một bác sĩ nào đó đã cứu chữa cho mình nhưng chắc ít ai yêu quý bác sĩ như yêu quý thầy cô giáo của mình. Có thể vì khoảng thời gian chưa đủ để ta hiểu họ, để tạo được sợi dây tình cảm lâu dài, trong khi ta có hàng năm trời ở bên thầy cô. Có thể vì vết mổ ngày một nhạt phai, còn những bài học làm người thì lại đậm dần theo cuộc sống...
Có một ngày dành cho các bác sĩ và một ngày dành cho thầy cô. Một ngày chỉ xảy ra trong những cơ sở y tế, còn một ngày xảy ra ở khắp mọi nơi. Hiếm có chuyện bệnh nhân rủ nhau đi thăm bác sĩ cũ nhưng lại rất phổ biến chuyện học trò cũ rủ nhau đi thăm thầy cô, thậm chí hằng năm. Đó là vì ta mang ơn bác sĩ nhưng yêu quý thầy cô. Ta đến với người mình mang ơn như một nghĩa vụ và đến với người mình yêu quý như một nhu cầu. Cái nhu cầu tự nhiên khiến thầy trò đến với nhau như những người thân yêu, lại càng tăng thêm tình cảm đó, cứ thế mà gắn mãi quan hệ thầy trò!
Thiệt thòi hơn so với nhiều nghề trọng vật chất nhưng thầy cô giáo lại giàu có nhất những tấm lòng yêu quý của các thế hệ học trò. Và những giá trị “trăm năm trồng người” sẽ giúp loại bỏ biết bao tai ương, thảm họa về sau, mà nếu xảy ra thì đa phần các anh hùng cũng vô phương cứu chữa. Có lẽ đó là động lực khiến thầy cô, dù nhiều gian khổ và bạc bẽo, vẫn cứ yêu nghề, yêu trò, yêu cuộc sống.
Tình yêu đó cho cuộc đời hy vọng.
Bình luận (0)