PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa - Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM
Theo PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa - Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM – thời gian qua, ĐHQG TP HCM đã chủ động cải tiến phương thức tuyển sinh thông qua việc mở rộng đối tượng sinh viên tuyển thẳng, xét tuyển thẳng. Năm 2018, phương thức tuyển sinh tại ĐHQG TP HCM sẽ được đổi mới theo hướng tiếp cận với những chuẩn mực quốc tế về cách thức đánh giá năng lực người dự tuyển. Ông cho hay mục đích kỳ thi nhằm đánh giá năng lực học ĐH của thí sinh, đa dạng hóa hình thức tuyển sinh tại ĐH Quốc gia TP HCM và tăng thêm cơ hội trúng tuyển vào ĐH Quốc gia TP HCM.
GS-TS Đinh Đức Anh Vũ - Trưởng Ban ĐH - ĐHQG TPHCM cho biết về công tác tổ chức thi, hiện ĐHQG TP HCM đang áp dụng 4 phương thức tuyển sinh: Một là xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thí sinh theo quy chế tuyển sinh ĐH hệ chính quy năm 2018 của Bộ GD-ĐT (chiếm 5% tổng chỉ tiêu của ngành/nhóm ngành); hai là ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐHQG TP HCM đối với học sinh thuộc 82 trường THPT chuyên, năng khiếu các trường ĐH, tỉnh thành toàn quốc và học sinh 33 trường THPT thuộc nhóm 100 trường có điểm trung bình thi THPT quốc gia cao nhất cả nước năm 2015, 2016, 2017 với chỉ tiêu dự kiến 15-20%; ba là xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia 2018; bốn là xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực cho ĐHQG TP HCM tổ chức năm 2018 (chiếm 20% tổng chỉ tiêu ngành/nhóm ngành).
Ngày 7-7, thi đánh giá năng lực
TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo ĐHQG TP HCM – cho biết kỳ thi sẽ được tổ chức tại 3 địa điểm: TP HCM, Cần Thơ và Quy Nhơn.
Thời gian làm bài thi là 150 phút, với tổng số câu hỏi 120 câu (15 trang), dạng câu hỏi trắc nghiệm 4 lựa chọn (chỉ có duy nhất 1 phương án đúng) và thí sinh làm bài trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Phương thức đăng ký dự thi: Trực tuyến hoặc đăng ký trực tiếp tại 3 điểm thi.
Thời gian đăng ký dự thi từ ngày 2-5 đến 30-5-2018. Thời gian gửi báo dự thi trước ngày 25-6 và tổ chức thi ngày 7-7-2018. Trước 17 giờ ngày 15-7, ĐHQG TP HCM công bố kết quả thi.
TS Nguyễn Quốc Chính cho rằng kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM nhằm thể hiện khả năng tự chủ của hệ thống, giúp ĐHQG chọn được những thí sinh có năng lực học ĐH, nhằm đào tạo nhân lực chất lượng cao cho xã hội.
Theo TS Nguyễn Quốc Chính, khác với cách tiếp cận của kỳ thi THPT quốc gia, bài thi đánh giá năng lực tại ĐHQG TP HCM chú trọng đánh giá các năng lực cơ bản để học ĐH của thí sinh như: Sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Qua đó, giảm thiểu trường hợp học vẹt của thí sinh. Đề thi đánh giá năng lực có cách chấm điểm theo phương pháp hiện đại, giá trị câu hỏi phụ thuộc vào độ khó của nó, ngân hàng đề thi được xây dựng chặt chẽ, được phản biện qua nhiều lớp nhằm loại bỏ câu không phù hợp và thử nghiệm câu hỏi qua các trường THPT trên địa bàn 3 địa phương.
Kết quả thử nghiệm và lấy ý kiến thí sinh cho thấy đa số thí sinh nhận xét bài làm vừa sức, 30% thí sinh cho biết thiếu thời gian làm bài. Thí sinh có thái độ tích cực khi cảm nhận về bài thi, cho rằng bài thi giúp các em không phải học vẹt, học gạo, không ghi nhớ kiến thức máy móc và tạo sự phấn khích.
Trả lời câu hỏi của PV Báo Người Lao Động về khó khăn trong quá trình tổ chức, TS Chính cho rằng do lần đầu tổ chức kỳ thi năng lực nên ĐHQG TP HCM gặp nhiều khó khăn cả chủ quan và khách quan. Cụ thể, thí sinh xưa nay đã quen với các bài kiểm tra kiến thức, chưa tiếp cận nhiều với các bài thi năng lực. Về chủ quan, việc lần đầu xây dựng hệ thống cho một kỳ thi lớn cũng mất nhiều thời gian.
Khi được hỏi về việc bỏ ra kinh phí không ít cho kỳ thi năng lực nhưng chỉ tuyển sinh 20% chỉ tiêu, lãnh đạo ĐHQG nói chung và Trường ĐH Quốc tế cho rằng khi xác định tổ chức kỳ thi, hệ thống này không đặt nặng kinh tế, miễn tuyển được học trò giỏi. "Với mức phí 200.000 đồng/thí sinh, chúng tôi xác định sẽ "lỗ", mức thu không đủ chi nhưng tất cả vì mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao chất lượng giáo dục", TS Quốc Chính khẳng định.
Xem:
Bình luận (0)