Ông Trần Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT
Ông Trần Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT, ngày 23-8 đã có cuộc trao đổi với báo chí về công tác xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2018.
Nhìn lại đợt 1 xét tuyển đại học, cao đẳng 2018, ông đánh giá như thế nào về tình hình tuyển sinh đại học năm nay?
Ngay trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1, các đơn vị xét tuyển đã có 172 mã tuyển sinh tuyển đủ chỉ tiêu. Trong đó có 226 mã tuyển sinh tuyển được 70% chỉ tiêu, chiếm 70% tổng số mã tuyển sinh trên toàn quốc. Con số này đã phản ánh một thực tế, đó là công tác tuyển sinh đại học năm 2018 đã đạt được các tiêu chí nhanh gọn, nhẹ nhàng, hiệu quả và giảm được áp lực cho các đợt tuyển sinh đợt sau.
Phương thức tuyển sinh năm 2018 cũng đã đảm bảo tính khoa học, hợp lý, khách quan, công bằng đối với các thí sinh và đối với các trường, không xảy ra xáo trộn.
Năm 2018 cũng là năm các trường được tự xác định chỉ tiêu, lập đề án tuyển sinh, xác định các điều kiện tuyển sinh, tham gia các nhóm tuyển sinh hoặc tuyển sinh độc lập. Như vậy, quá trình tuyển sinh năm nay cũng đã đảm bảo được quyền tự chủ của các trường. Về cơ bản, công tác xét tuyển ĐH đợt 1 năm nay đã đảm bảo được các tiêu chí an toàn, hiệu quả. Điểm trúng tuyển cũng đã phản ánh được chất lượng đầu vào và thể hiện được sự phân hóa chất lượng giữa các thí sinh, giữa các nhóm trường...
Điểm chuẩn ngành bác sĩ đa khoa (khối A) của Học viện Quân y năm nay giảm kỷ lục tới 8 điểm
Không ít người lo ngại khi điểm chuẩn năm nay giảm trung bình từ 1-3 điểm so với 2017, cá biệt như ngành bác sĩ đa khoa của Học viện Quân y giảm đến 8 điểm. Ông nhận định thế nào về điểm chuẩn của các trường năm nay, khi nó biến động rất nhiều so với năm ngoái?
Phổ điểm năm nay có thấp hơn phổ điểm của năm 2017 một chút. Tuy nhiên, đây là mức giảm chung trên toàn hệ thống, xảy ra ở cả trường top trên và dưới nên vẫn đảm bảo công bằng cho các em thí sinh.
Phân tích phổ điểm 2018, số điểm từ 15 đến 20 không chênh so với năm 2017. Vì vậy, dù mức điểm chuẩn trung bình có giảm từ 1-3 điểm so với năm trước, nhưng mức giảm chủ yếu diễn ra ở phân khúc các trường top trên. Vì thế, không thể kết luận điểm chuẩn hạ đồng nghĩa với chất lượng đầu vào không đảm bảo.
Tôi cũng muốn nói thêm là đầu vào chỉ là một khâu trong quá trình đào tạo chung. Trước đây chúng ta vẫn mặc định cứ đỗ đại học là sẽ được ra trường, hiện nay điều này đã thay đổi. Con số hàng ngàn sinh viên bị buộc thôi học, bỏ học giữa chừng vì nhiều lý do khác nhau trong 2-3 năm trở lại đây cho thấy quá trình đào tạo đại học là một quá trình sàng lọc. Trên thực tế có nhiều trường tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp chỉ đạt 70-80%, thậm chí có những trường về kỹ thuật công nghệ, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp chỉ đạt được 65% so với số sinh viên nhập học.
Với quy định bỏ điểm sàn, nhiều người lo ngại các trường vơ bèo vạt tép. Vậy bộ có giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng này và sẽ xử lý ra sao?
Khi không còn điểm sàn, các trường sẽ tự cân đối điểm sàn theo từng ngành, từng khối ngành phù hợp với đặc điểm của ngành, của trường, vùng miền để đặt ra mức điểm chuẩn đầu vào để có thể tuyển được đối tượng đúng nhất nhưng phải đảm bảo chất lượng nguồn tuyển.
Khi quyết định bỏ điểm sàn, bộ cảnh báo rất rộng rãi tới các trường về nguy cơ tự hạ thấp thương hiệu, uy tín và chất lượng đào tạo nếu đưa ra mức điểm sàn quá thấp. Thực tế đã có một số trường đưa ra ngưỡng điểm sàn 12-13, tuy nhiên, bộ đã ngay lập tức có ý kiến và các trường đó đã điều chỉnh kịp thời. Thông điệp đưa ra cũng rất rõ ràng, nếu cơ sở đào tạo nào lấy điểm đầu vào quá thấp, bộ sẽ kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo. Cơ sở nào không đảm bảo đủ điều kiện đào tạo sẽ bị đình chỉ tuyển sinh.
Bình luận (0)