Hôm nay (28-7), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chính thức công bố ngưỡng điểm bảo đảm chất lượng đầu vào ĐH (điểm sàn). Theo phổ điểm các môn thi và phổ điểm các khối thi mà Bộ GD-ĐT công bố, nhiều chuyên gia tuyển sinh dự báo điểm sàn năm nay sẽ giảm nhẹ.
Có thể giảm để tăng nguồn tuyển
Ông Phạm Văn Bổng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, nhận định dựa trên phổ điểm các môn thi và phổ điểm các khối thi có thể thấy nhiều khả năng điểm sàn sẽ giảm nhẹ, đặc biệt ở khối C, D.
Không chỉ vậy, điểm chuẩn vào nhiều trường cũng sẽ giảm. Trên thực tế, phổ điểm các môn tự nhiên như toán, lý, hóa lệch về phía điểm cao nhưng phổ điểm của môn tiếng Anh lệch về phía điểm thấp. Khối C có điểm trung bình xấp xỉ 15; khối thi D, D1 có điểm trung bình dưới 15. Với phổ điểm này, nếu so sánh với năm 2015 thì nhiều khả năng các trường tốp dưới khó tuyển đủ chỉ tiêu đối với khối C, D nếu giữ nguyên ngưỡng điểm sàn là 15 điểm. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh ĐH năm 2016 tăng 20,5% so với năm 2015. Bộ GD-ĐT vừa công bố, tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH năm 2016 là 421.859.
Ông Bùi Đức Hiền, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Điện lực, cũng dự báo điểm sàn có thể giảm một chút so với năm 2015. Ông Hiền nói thêm năm 2015, trường nhận hồ sơ xét tuyển trên điểm sàn của Bộ GD-ĐT 1 điểm song năm nay, mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển sẽ bằng điểm sàn. Ông Trần Mạnh Dũng, Trưởng Phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng, cho rằng điểm sàn nên xác định thấp hơn năm trước bởi phổ điểm thấp hơn năm 2015, trong khi tổng số thí sinh dự thi giảm hơn trước.
Ông Đặng Văn Tùng, Phó trưởng Phòng Đào tạo - Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, nhận xét nhiều khả năng Bộ GD-ĐT vẫn giữ nguyên mức điểm sàn như năm 2015 với khối A, A1. Tuy nhiên, theo ông Tùng, với phổ điểm năm nay, điểm sàn khối A nên thấp hơn năm trước khoảng trên 1 điểm, khối A1 thấp hơn khoảng 0,5 điểm; còn khối D thấp hơn khoảng 1,5 điểm.
Lãnh đạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho rằng với phổ điểm năm nay, đặc biệt là điểm môn tiếng Anh quá thấp thì nhiều khả năng điểm sàn giảm. Trên thực tế, ngưỡng xét tuyển vào ĐH luôn được xác định dựa trên phổ điểm của thí sinh, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường cũng như đặc điểm vùng miền bảo đảm hệ số dôi dư để các trường có thể tuyển đủ thí sinh.
Lo chất lượng đầu vào
Tuy nhiên, khi tính toán đến số lượng trường tuyển sinh riêng bằng cách xét tuyển dựa trên kết quả trong học bạ, nhiều chuyên gia lại cho rằng điểm sàn có thể vẫn giữ nguyên. Ông Nguyễn Khắc Khiêm, Trưởng Phòng Đào tạo - Trường ĐH Hàng hải Việt Nam, nói tuy năm nay số thí sinh dự thi THPT quốc gia giảm gần 10% so với năm trước nhưng số trường dành chỉ tiêu xét tuyển theo học bạ lại tăng lên, vì thế tổng chỉ tiêu xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia sẽ giảm, điểm sàn có thể không thay đổi. Lãnh đạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng cho hay nhiều khả năng điểm sàn sẽ giữ nguyên ở mức 15 như năm trước.
PGS-TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho rằng phổ điểm các môn thi THPT quốc gia mà Bộ GD-ĐT vừa công bố không có nhiều thí sinh có điểm cao như năm 2015 nhưng nhìn chung, điểm trung bình các môn đều trên 5, ngoại trừ 2 môn tiếng Anh và lịch sử có điểm trung bình thấp hơn. Đối với môn tiếng Anh, không nên nhìn vào kết quả này để cho rằng tổ hợp môn có sử dụng tiếng Anh ở khối D truyền thống sẽ thấp bởi những thí sinh dùng môn tiếng Anh để xét tuyển ĐH sẽ có kết quả tốt hơn. Do vậy, với kết quả thi năm nay có thể đánh giá chung là điểm vẫn tốt nên không có lý do gì bộ phải hạ điểm sàn so với năm 2015 bởi nếu hạ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, nhận xét: So với năm 2015, trong năm 2016 phổ điểm thi các môn có tính phân hóa tốt hơn, ví dụ môn toán năm 2015 số học sinh đạt điểm từ 8,5 đến 9,0 tăng lên đột biến với số lượng gần 9.000 em; môn hóa học cũng tương tự như vậy, chính vì lý do đó nên các trường nhóm y dược có điểm trúng tuyển tăng cao và phải dùng thêm điều kiện phụ để xét tuyển.
Thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen, nhìn nhận năm này có ít nhất 2 yếu tố ảnh hưởng đến việc xác định điểm sàn. Thứ nhất, điểm thi khối C, D và D1 nhìn chung là thấp hơn so với năm trước nên nếu giữ nguyên điểm bảo đảm chất lượng đầu vào như năm 2015 thì các trường nhóm dưới sẽ khó tuyển đủ chỉ tiêu cho các khối này; thứ hai, chỉ tiêu tuyển sinh đã công bố tăng hơn 20,5%, nếu giữ nguyên điểm bảo đảm chất lượng đầu vào như năm trước sẽ ảnh hưởng đến nguồn tuyển và hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh.
Trường tốp trên dễ tuyển
Về phổ điểm năm nay, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng số lượng thí sinh đạt điểm cao và trên trung bình lớn hơn năm ngoái. Phổ điểm phân bố cũng rất đều, tuy không nhiều thí sinh đạt điểm tuyệt đối. Với phổ điểm này, các trường tốp trên sẽ dễ tuyển sinh hơn năm 2015 vì không cần sử dụng đến các tiêu chí phụ.
Đối với phổ điểm thi khối D, điểm trung bình tuy thấp nhưng số lượng thí sinh thi đông vì 3 môn toán, ngữ văn và ngoại ngữ đều là 3 môn thi bắt buộc. Khi các trường xét tuyển, với mức điểm cao hơn mức trung bình thì số lượng thí sinh vẫn rất đông, không ảnh hưởng đến nguồn tuyển của các trường.
Bình luận (0)