Ngày 12-7, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố điểm sàn xét tuyển ĐH năm 2017 cho tất cả các tổ hợp là 15,5 điểm. Với điểm sàn này, số thí sinh (TS) trên điểm sàn là 535.798 trong khi tổng chỉ tiêu là 332.496, đạt hệ số dư dôi là 1,61.
Vì sao điểm sàn là 15,5?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết điểm sàn được xác định dựa trên 3 yếu tố. Thứ nhất, bảo đảm chất lượng nguồn tuyển cho tất cả các trường ĐH, đây là ưu tiên hàng đầu. Thứ hai, bảo đảm nguồn tuyển cho các trường, nếu cao quá thì các trường tuyển sinh khó khăn. Thứ ba, sự dịch chuyển TS của các vùng miền, năm nào cũng có hệ số dôi dư nhưng vẫn thừa-thiếu nguồn tuyển ở các vùng miền. Điểm cao ở các địa phương thường dịch về đô thị lớn nên các địa phương thường thiếu nguồn tuyển.
Phụ huynh tìm hiểu thông tin xét tuyển vào Trường ĐH Tôn Đức Thắng Ảnh: Tấn Thạnh
"Chúng ta đã biết từ khi bắt đầu 3 chung, điểm sàn cũng dịch chuyển 13-14,5, năm 2016 đã nâng lên 15 và nay là 15,5 điểm. Tuy tăng 0,5 điểm thôi nhưng đó cũng là sự cố gắng rất lớn của TS và nhà trường trong công tác giảng dạy, học tập. Năm nay, TS thi tại địa phương mình, các em làm bài có vẻ tự tin hơn nên chất lượng được nâng cao và điểm số tốt hơn. Vì vậy, điểm đầu vào cũng tăng lên một chút để phù hợp với tình hinh thực tế" - ông Ga lý giải.
Theo ông Ga, với điểm đầu vào như vậy, hội đồng đã phân tích rất nhiều khía cạnh và tính toán từng mức điểm - với mức đó, bao nhiêu TS đạt và không đạt, tổng thể cả nước và từng vùng miền. Bộ cũng tính toán đến sự dịch chuyển của TS. Năm nay, Bộ GD- ĐT có thêm một công cụ kỹ thuật là chạy thử phần mềm xét tuyển với cơ sở dữ liệu và TS đã đăng ký. Kết quả điểm thi vừa rồi cũng đã xác định lượng TS trúng tuyển ở các trường ĐH khác nhau.
Với mức 15,5 điểm, Bộ GD-ĐT đã chạy thử phần mềm dữ liệu, đánh giá được 90 trường đầu tiên sẽ tuyển đủ chỉ tiêu ngay đợt đầu và tổng TS tuyển đủ trong đợt đầu tiên khoảng 83%. Nghĩa là trường tốp trên sẽ tuyển được ngay lập tức và 83% TS trong đợt 1 - tương thích với những năm trước (khoảng 75%-85% đợt 1). Tuy nhiên, đây là số lượng đăng ký trước khi thi còn tới đây, TS có thể điều chỉnh nguyện vọng nhưng có lẽ cũng không thay đổi nhiều.
Điểm sàn chỉ có ý nghĩa tượng trưng
Năm nay là năm cuối cùng Bộ GD-ĐT xác định ngưỡng chất lượng đầu vào. Thực tế, điểm sàn đã không còn nhiều ý nghĩa.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho rằng những trường tốp trên không quan tâm đến điểm sàn bởi thực tế, điểm chuẩn hằng năm cao hơn điểm sàn rất nhiều và chắc chắn những trường này sẽ xét đủ chỉ tiêu trong đợt 1. Lâu nay, vẫn có những trường không tuyển đủ chỉ tiêu không phải vì thiếu nguồn mà chủ yếu đó là trường ở các địa phương, những trường, ngành kém hấp dẫn.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP HCM, kết quả điểm thi của TS năm nay cao hơn năm ngoái, chủ yếu tập trung ở mức 18 điểm. Do vậy, việc Bộ GD-ĐT đưa ra mức điểm sàn 15,5 cho tất cả các tổ hợp xét tuyển vẫn tạo ra lượng dôi dư lớn. Tuy nhiên, so với năm 2016, tổng số TS đăng ký thi THPT quốc gia năm nay giảm, số TS đăng ký xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia giảm trong khi chỉ tiêu các trường ĐH tăng nên ở chừng mực nào đó, tuyển sinh năm nay sẽ khó khăn hơn. Khó khăn đó rơi vào những trường ở địa phương, nhóm trường cuối bảng khó tuyển sinh. Thực tế, năm 2016, nhiều TS đủ điều kiện xét tuyển nhưng vẫn không tham gia.
Thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, cho rằng thống kê trên của Bộ GD-ĐT dựa vào số TS đăng ký dùng kết quả thi để xét tuyển ĐH nhưng thực tế, với những trường ngoài công lập, TS vẫn có thể dùng học bạ để xét tuyển. "Có thể có TS không đủ điểm sàn để xét tuyển theo kết quả thi THPT nhưng vẫn dư điều kiện để xét tuyển vào ĐH nếu dùng kết quả học bạ THPT. Điểm sàn vì vậy không có nhiều giá trị" - thạc sĩ Trương Tiến Sĩ nhìn nhận.
Tư vấn trực tuyến: "Làm sao để có cơ hội trúng tuyển cao nhất?"
Từ 14 giờ hôm nay, 13-7, Báo Người Lao Động tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: "Làm sao để có cơ hội trúng tuyển cao nhất?".
Tham gia buổi trực tuyến có các chuyên gia: PGS-TS Đinh Đức Anh Vũ, Trưởng Ban Đào tạo ĐHQG TP HCM; tiến sĩ Lê Chí Thông, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP HCM; ThS Trần Đình Huyên, Trưởng Ban Đào tạo Cơ sở TP HCM - Trường ĐH Ngoại thương; tiến sĩ Đặng Kiên Cường, Trưởng Phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TP HCM; ThS Phan Thị Thu Phương, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Mở TP HCM.
Trong buổi tư vấn trực tuyến này, các chuyên gia sẽ tư vấn cho TS có nên thay đổi nguyện vọng hay không, thay đổi thế nào để có cơ hội trúng tuyển cao, cách xét tuyển vào các trường ĐH, các ngành, chương trình đào tạo…
Buổi tư vấn thuộc chuỗi chương trình Đưa trường học đến TS 2017 do Báo Người Lao Động tổ chức với sự tài trợ của Công ty CP Phân bón Bình Điền (tài trợ chính), Vingroup và SunGroup (tài trợ phụ).
Bình luận (0)