Dù Đề án Ngoại ngữ 2020 đã được triển khai nhiều năm với kinh phí lên đến hơn 9.000 tỉ đồng, thậm chí kéo dài đến năm 2025 nhưng điểm thi tiếng Anh của học sinh vẫn không được cải thiện.
"Lẹt đẹt" nhiều năm
Phân tích phổ điểm thi THPT quốc gia môn tiếng Anh từ 2017-2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho thấy điểm trung bình của học sinh cả nước trong 3 năm đều dưới 5, mức điểm đạt nhiều nhất chỉ 3 đến 3,4. Kết quả thi này có sự phân hóa theo vùng miền. Trong khi những địa phương khó khăn thuộc vùng núi phía Bắc, khu vực ĐBSCL như Hà Giang, Sơn La, Hậu Giang... nhiều năm xếp cuối về điểm trung bình trong cả nước thì những TP lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng... vẫn đứng đầu.
Thí sinh sau khi thi môn tiếng Anh trong kỳ thi THPT quốc gia 2019 Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Điểm trung bình của TP HCM, Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đều từ 5-6, cao hơn mức chung của cả nước. Tỉ lệ điểm dưới trung bình, điểm từ 8 trở lên cũng có sự phân hóa theo địa phương.
Ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD-ĐT, cho rằng kết quả thi THPT quốc gia môn tiếng Anh của học sinh cả nước năm 2019 đã có chuyển biến tích cực nhưng chủ yếu vẫn ở các tỉnh, TP lớn; khu vực khó khăn như miền núi phía Bắc, ĐBSCL gần như không thay đổi.
Vậy đâu là lý do của việc điểm thi tiếng Anh năm nào cũng thấp ở mức gần như đội sổ trong danh sách các môn thi THPT quốc gia như vậy? Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, lý giải chất lượng tiếng Anh của học sinh TP tốt là nhờ rất nhiều từ các trung tâm ngoại ngữ. Ông Hiếu cho hay cả TP có 700 trung tâm ngoại ngữ, hầu hết học sinh học thêm ngoại ngữ ở bên ngoài trường học, chỉ có một số học sinh vùng ven đô thị điều kiện kinh tế khó khăn mới không tham gia học thêm ngoại ngữ" - ông Hiếu thông tin.
Ông Hiếu cũng cho biết để nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ trong trường phổ thông, TP HCM có chính sách riêng về đào tạo đội ngũ giáo viên. "Khảo sát chất lượng giáo viên theo chuẩn quốc tế của TP vào năm 2012 cho thấy chỉ khoảng 5% giáo viên đạt yêu cầu, TP đã dùng ngân sách nhà nước để bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giáo viên theo chuẩn quốc tế, đến nay 70% giáo viên đạt chuẩn" - ông Hiếu nói.
Ông Đặng Hiệp Giang, chuyên viên môn tiếng Anh của Vụ Giáo dục trung học - Bộ GD-ĐT, cho rằng vẫn đang tồn tại 2 hệ chương trình đào tạo ngoại ngữ ở bậc phổ thông, chương trình hệ 7 năm (từ lớp 6) và 10 năm (từ lớp 3), hệ 10 năm chủ yếu được triển khai ở những tỉnh, TP có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển. Qua thống kê và đánh giá, học sinh hệ 10 năm có chất lượng tốt hơn học sinh hệ 7 năm. "Như vậy, vấn đề khác biệt hệ đào tạo là một nguyên nhân dẫn tới chất lượng học sinh không đồng đều, kết quả thi không đồng đều" - ông Giang nói.
Chất lượng giáo viên không đồng đều
Ông Đặng Hiệp Giang cho rằng cần triển khai chương trình tiếng Anh hệ 10 năm rộng hơn. Tuy nhiên, theo ông Giang, để làm được vậy, cần một đội ngũ giáo viên có chất lượng, trong khi chất lượng giáo viên hiện rất không đồng đều, ở những tỉnh khó khăn, trình độ giáo viên còn hạn chế. Ông Giang cũng cho rằng đang có xu hướng giáo viên dạy tiếng Anh giỏi ở các vùng khó khăn sau một thời gian công tác sẽ chuyển về những những thành phố lớn, có điều kiện tốt hơn.
Cùng quan điểm với ông Giang về việc cần sớm triển khai rộng rãi chương trình ngoại ngữ hệ 10 năm, bà Nguyễn Thị Mai Hữu, Giám đốc Đề án Ngoại ngữ quốc gia, thông tin thêm theo khảo sát, điểm trung bình thi THPT quốc gia của học sinh học hệ 10 năm cao hơn học sinh hệ 7 năm xấp xỉ 2 điểm. Bà Hữu cũng cho biết ngoài việc xây dựng và chuẩn bị điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD-ĐT đang xây dựng chương trình tiếng Anh cho trẻ mầm non. Trẻ em càng được tiếp xúc với tiếng Anh sớm sẽ càng tốt. Để bảo đảm số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên, bà Hữu cho rằng rất cần có được xã hội hóa, cần sự hỗ trợ của các trung tâm ngoại ngữ trong đào tạo giáo viên, nhất là giáo viên ở vùng sâu, vùng xa.
Bà Lê Quang Thục Quỳnh, Tổng Giám đốc Anh văn Hội Việt Mỹ, đề nghị phát huy sự hợp tác giữa trung tâm Anh ngữ và hệ thống trường công, tạo điều kiện để phát triển hệ thống trung tâm Anh ngữ có chất lượng.
Không thể chậm trễ hơn
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thừa nhận chất lượng dạy và học tiếng Anh phụ thuộc vào chất lượng đội ngũ giáo viên. Theo ông Nhạ, phải từng bước hoàn hiện quy trình chuẩn hóa. Giáo viên cần tăng cường giao lưu với giáo viên nước ngoài, nâng cao kỹ năng, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy. "Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, là việc vừa trước mắt vừa lâu dài nhưng không thể chậm chễ hơn nữa" - ông Nhạ nói.
Bình luận (0)