Tờ trình của Chính phủ tính toán rằng với mức thu học phí hiện nay, giá trị thực tế của học phí chỉ còn 62%. “Nếu vẫn giữ như cũ, khó mà bảo đảm chất lượng giáo dục, Chính phủ mong Quốc hội (QH) chấp thuận để triển khai ngay từ tháng 6 tới”- Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đề nghị. Bộ GD-ĐT cho biết thêm trong cơ chế học phí mới, người nghèo được miễn giảm nhiều hơn.
Học phí đào tạo nghề có thể tăng cao trong thời gian tới. Trong ảnh: Trường CĐ nghề Phú Lâm (TPHCM) giới thiệu ngành đào tạo cho học sinh trung học phổ thông. Ảnh: N. Hữu |
Chưa nên tăng học phí trong thời điểm này
Tuy nhiên, theo Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của QH, học phí là vấn đề đặc biệt nhạy cảm, có tác động lớn đến đời sống xã hội.
Theo tờ trình của Chính phủ, học phí và các chi phí học tập cần thiết khác của hộ gia đình (4 người, có một con học mầm non, một phổ thông) chiếm tối đa 6% thu nhập bình quân của hộ gia đình. Đây là mức chi trả khá cao, vì trong nhóm các nước mới phát triển, con số này chỉ từ 2%-10% - GS-TS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng phân tích. Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng đánh giá: Nói chung, các mức học phí cụ thể trong đề án là quá cao, đặc biệt đối với hệ đào tạo nghề. “Riêng học sinh THCS ở nông thôn nên miễn học phí vì thu không đáng kể”- Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị.
Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng cũng đề nghị nếu tăng học phí, khoảng cách giữa mức hiện hành với khung học phí mới là quá lớn nên thực hiện tăng dần theo từng năm học. Đồng thời, sau khi áp dụng chế độ học phí mới và khung học phí mới trong các trường công lập, dễ xảy ra tình trạng nâng học phí đồng loạt trong các trường ngoài công lập (đặc biệt là hệ ĐH-CĐ), ngành GD-ĐT cần kịp thời ban hành quy chế sử dụng học phí trong các trường ngoài công lập và có biện pháp kiểm tra, giám sát.
Chốt lại, cơ quan thẩm tra đề nghị: “Nên cân nhắc thời gian thực hiện đề án, vì năm 2009 vẫn còn trong thời kỳ suy giảm kinh tế. Thời gian thực hiện đề án nên điều chỉnh lại từ 2010-2015”.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị phương án dung hòa: Có thể lùi lại một năm, không thay đổi học phí phổ thông. Nhưng đối với học phí khối đào tạo nghề thì thực hiện ngay.
Học phí đào tạo nghề quá cao
Mổ xẻ đề án, các ủy viên Ủy ban Thường vụ QH còn chỉ ra thêm nhiều khiếm khuyết. “Đề án nêu mức học phí đối với đào tạo công lập (từ dạy nghề đến ĐH) từng bước bảo đảm chi thường xuyên của các nhóm ngành, nhưng lại không nêu rõ lộ trình thực hiện. Vậy, sau một số năm nữa, phải chăng Nhà nước không còn hỗ trợ?”. Cơ quan này đề nghị cần phải cân nhắc, thận trọng hơn, vì ngay ở các nước tư bản, kể cả nước “thương mại hóa” giáo dục nghề nghiệp như Mỹ, nhà nước vẫn gánh vác một tỉ lệ đáng kể trong chi phí đào tạo của các cơ sở đào tạo công lập. Thêm nữa, học phí của trung cấp nghề và CĐ nghề bằng nhau, học phí trung cấp nghề quá cao so với THPT là không hợp lý, không công bằng với các đối tượng cùng lứa tuổi, không khuyến khích học sinh sau THCS đi học nghề.
Kết luận, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên đề nghị Chính phủ phân tích, đánh giá thêm những tác động của đề án; cân nhắc thêm về thời điểm thực hiện. Cơ chế tài chính đối với GD-ĐT có nhiều khâu, cần lựa chọn khâu trọng tâm làm trước. Học phí chỉ là một phần, cần làm rõ Nhà nước lo đến đâu, các chủ thể khác lo đến đâu để phát triển sự nghiệp GD-ĐT. Điều chỉnh học phí cần có lộ trình, có nhiều phương án, đồng thời mức học phí phải tương xứng với chất lượng đào tạo.
Phù hợp với khả năng chi trả
|
Bình luận (0)