Bảo đảm quyền lợi chính đáng
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 4, TP HCM cho biết năm học vừa qua, một nữ GV thực hiện công việc giảng dạy, chủ nhiệm như bình thường. Tuy nhiên, vì tuổi khá cao nên một số yêu cầu trong công tác chuyên môn cô đáp ứng không được như kỳ vọng của nhà trường.
"Khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và trước các yêu cầu đổi mới giáo dục, có tình trạng một số thầy cô không theo kịp, cũng như khó nhanh nhẹn bằng GV trẻ tuổi hơn. Vì thế, nhà trường tính đến phương án xin ý kiến để điều chuyển họ sang một công việc khác cũng ở trong trường nhưng phù hợp hơn" - vị này giải thích.
Tuy nhiên, để làm được điều này, theo hiệu trưởng nêu trên, là "không dễ dàng". Ngoài tâm lý của thầy cô thì việc đảm bảo quyền lợi là quan trọng nhất. "Khi điều chuyển công tác một người sang công việc khác, mình có thể thuyết phục họ về công việc mới nhưng để họ an tâm, tâm phục khẩu phục thì việc đảm bảo quyền lợi cho GV phải là trên hết" - hiệu trưởng này nhìn nhận.
Điều chuyển giáo viên vẫn phải ưu tiên quyền lợi cho người thầy
Tại quận 4, từ năm học 2022-2023 sẽ thực hiện chuyển đổi vị trí công tác GV giữa các trường trên địa bàn theo các hình thức: chuyển đổi theo nguyện vọng; chuyển đổi theo yêu cầu nhiệm vụ; chuyển đổi theo danh mục Nghị định 59/2019 và Thông tư 41/2021. Trường hợp cán bộ, viên chức có người thân công tác cùng một đơn vị sẽ được thực hiện chuyển đổi mà không yêu cầu kèm theo điều kiện.
Ngoài ra, việc chuyển đổi cũng thực hiện theo quy định như: GV còn 5 năm công tác đến thời điểm nghỉ hưu; GV đang trong thời gian bị xem xét, xử lý kỷ luật hoặc liên quan đến công việc đang bị thanh tra, kiểm tra; GV nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng, viên chức nam phải nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi...
Mỗi quận, huyện xây dựng giải pháp
Theo lý giải của Phòng GD-ĐT quận 4, lý do của việc chuyển đổi GV là quy mô trường lớp và chất lượng giáo dục giữa các trường trên địa bàn chưa thật sự đồng đều. Sự phân bố về độ tuổi GV tại các trường chưa cân đối, chưa phát huy được tính năng động của GV trẻ với kinh nghiệm giảng dạy của thầy cô có thâm niên giảng dạy lâu năm.
Một số GV có thời gian công tác tại một trường quá lâu, tạo sức ì tâm lý, chưa có tinh thần đổi mới, sáng tạo trong việc đổi mới phương pháp dạy học cũng như tham gia các hoạt động, phong trào của ngành, trường. Chất lượng một số bộ môn chưa đồng đều giữa các trường do thiếu GV nhiều kinh nghiệm để dẫn dắt, hướng dẫn về chuyên môn.
Trong khi đó, theo Sở GD-ĐT TP HCM, sở cũng đã tính đến phương án điều chuyển vị trí việc làm từ GV sang nhân viên hoặc cho nghỉ hưu sớm đối với những người do sức khỏe, độ tuổi không đảm bảo yêu cầu giảng dạy.
Theo Sở GD-ĐT TP HCM, các quận, huyện đã có những giải pháp để giải quyết tình trạng thừa, thiếu GV các cấp học phổ thông; xây dựng phương án giải quyết tình trạng thừa GV, phù hợp từng đối tượng. Cụ thể, điều chuyển GV từ nơi thừa sang nơi thiếu. Những GV còn độ tuổi công tác, có năng lực và nguyện vọng phù hợp với nhu cầu thì tổ chức đặt hàng các cơ sở đào tạo để đào tạo văn bằng 2, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để đủ điều kiện dạy các môn học còn thiếu, môn học tích hợp.
Bình luận (0)