Tại hội nghị "Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường (VHHĐ)" do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức chiều 22-8, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh xây dựng và phát triển VHHĐ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành giáo dục, mỗi địa phương và từng cơ sở.
Môi trường phát triển đức - trí - thể - mỹ
Ngành giáo dục đang triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, tập trung phát triển phẩm chất và năng lực của người học, lấy việc dạy người làm nội dung trọng tâm. Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là giải pháp toàn diện để củng cố, gia tăng tố chất văn hóa và phát triển con người. Trong đó, VHHĐ là môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục người học để phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm cao với đất nước, gia đình và cộng đồng.
Quang cảnh hội nghị “Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường”
PGS Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa trung ương, cho hay từ tháng 10-2018 đến tháng 3-2022, Chính phủ đã ra 4 quyết định phê duyệt các chương trình, đề án xây dựng VHHĐ. Ngành giáo dục cũng đã tập trung chỉ đạo nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh việc giáo dục đạo đức, lối sống thẩm mỹ, ứng xử văn hóa và kỹ năng sống cho trẻ em, học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, PGS Đào Duy Quát cho rằng bên cạnh mặt tích cực, vẫn còn một bộ phận không nhỏ học sinh, sinh viên thể hiện cử chỉ, lời nói, hành vi ứng xử trong các mối quan hệ trong môi trường VHHĐ lệch chuẩn, thậm chí lệch chuẩn nghiêm trọng. Tình trạng bạo lực học đường, mua bán, sử dụng chất ma túy, thuốc lắc trong lớp trẻ gia tăng, cả về quy mô và tính chất.
Theo PGS Đào Duy Quát, văn hóa dạy và học biến dạng, xuống cấp bởi tình trạng "chạy trường", "chạy điểm", "chạy bằng tốt nghiệp", "chạy thành tích", "chạy danh hiệu" của các nhà quản lý giáo dục, giáo viên, giảng viên… Thực trạng thực sự là những điểm nóng của ngành giáo dục, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
6 nội dung trọng tâm
Tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định VHHĐ là nền tảng để thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, vì sự phát triển văn hóa, con người. Xây dựng VHHĐ là một nội dung quan trọng để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, thời gian qua, công tác chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa thật sự sát sao, quyết liệt. Sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội chưa chặt chẽ, vai trò của các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường chưa phát huy đầy đủ. "Kỷ cương nhà trường ở một số cơ sở giáo dục chưa được quan tâm đúng mức, còn có những biểu hiện lệch chuẩn về văn hóa ứng xử. Vấn đề bạo lực học đường, bệnh thành tích, sự thiếu trung thực trong giáo dục chưa được khắc phục triệt để" - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý.
Để thực hiện tốt công tác xây dựng VHHĐ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị tập trung thực hiện tốt 6 nội dung trọng tâm. Cụ thể là tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện VHHĐ gắn với tổ chức thực hiện đổi mới chương trình giáo dục. Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, giáo dục pháp luật trong nhà trường. Tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giáo dục giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống trong chương trình GD-ĐT. Phát huy vai trò quan trọng của nhà trường trong tạo dựng các giá trị văn hóa và thiết lập, củng cố, hoàn thiện các nguyên tắc ứng xử. Tập trung xây dựng và hướng dẫn thực hiện các chuẩn mực về văn hóa đạo đức, hành vi ứng xử trong nhà trường, ngoài nhà trường và trên không gian mạng. Xây dựng bộ tiêu chí về môi trường VHHĐ xanh, sạch, đẹp, kỷ cương, an toàn, lành mạnh và thân thiện.
Nâng cao vai trò người thầy
Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho rằng 2 trọng tâm lớn để xây dựng VHHĐ là xây dựng môi trường trường học lành mạnh và con người chuẩn mực. Người thầy luôn được xã hội ghi nhận, tôn vinh và coi là tấm gương về trí tuệ, đạo đức, lối sống, ảnh hưởng của người thầy đối với học trò là vô cùng lớn. Do đó, phải yêu cầu, quy định sự chuẩn mực, gương mẫu, đề cao sự tâm huyết, trách nhiệm của giáo viên đối với nghề và giỏi phương pháp sư phạm. Giáo viên thiếu gương mẫu phải được xử lý nghiêm.
Bình luận (0)