231 cái tát là hình phạt mà một cậu học sinh lớp 6 Trường THCS Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) phải chịu khi vi phạm nội quy "nói tục". 23 bạn trong lớp dưới sự chỉ đạo của cô giáo đã tát bạn mình 230 cái và cái cuối cùng là do cô giáo trực tiếp tát.
Lý do của sự trừng phạt khủng khiếp này được cô giáo giải thích là vì "áp lực thi đua của trường", vì trường sắp được công nhận danh hiệu Trường chuẩn Quốc gia mức độ II.
Câu chuyện vẫn đang gây ra những chấn động không nhỏ trong dư luận. Chúng ta chỉ mới đọc thông tin và tưởng tượng đã nhói lòng đến thế thì thử hỏi, cậu bé kia còn đau đớn về thể xác và tâm hồn đến đâu?
Những cái tát trong môi trường học đường quả thật đáng sợ! Tôi vẫn còn nhớ cách đây chưa lâu, một giáo viên tiểu học từng cho phép 43 học sinh tát vào mặt bạn học. Theo đó, cháu T.L (Trường Tiểu học Ninh Sở ở huyện Thường Tín, TP Hà Nội) nói bậy với bạn và bị cô giáo chủ nhiệm sử dụng hình phạt yêu cầu bạn học tát vào mặt.
Một cậu bé lớp 4 đã chịu 43 cái tát và theo lời cháu thì "có bạn thương thì đánh nhẹ nhưng hầu như các bạn đều đánh mạnh". Không phải một vài roi mà đến 43 cái tát giáng vào mặt trong sự sững sờ của dư luận! Và giờ thì 43 cái tát ngày ấy đã tăng vọt lên 231 bạt tai vào mặt học sinh.
Dù có tìm lời lẽ bênh vực cô giáo nhưng quả thật, hành động của cô rất khó nhận được sự đồng cảm và bao dung từ dư luận. Nếu lỡ đánh trò hoặc đánh con, điều tối kỵ là vào mặt, vào đầu. Đằng này, không phải cô giáo đánh mà cô cho phép các bạn học cùng lớp tát thẳng vào mặt. Đó không còn là xử phạt mà là trừng phạt. Giây phút nhìn những học trò trừng phạt lẫn nhau như thế, cô đã quên mất bản thân là một người thầy và là một người mẹ ư?
Vì sao bọn trẻ lại ngoan ngoãn nghe lời cô tát bạn như thế? Đó mãi là nỗi trăn trở lớn của chúng ta. Các cháu phải hành động bạo lực với bạn bởi áp lực từ cô giáo ư? Các cháu còn quá bé để phân biệt đúng sai và tôi sợ rằng những lầm tưởng sẽ bắt đầu manh nha, phát triển trong suy nghĩ, hành động của trẻ.
"Mọi lỗi lầm đều có thể quy thành đòn roi", "Ta đây được quyền đánh bạn vì cô cho phép", "Tát vào mặt bạn chỉ là chuyện nhỏ!"… Những lầm tưởng nguy hại ấy có thể sẽ vô tình len lỏi vào tâm hồn trẻ bằng chính hành động ra tay tát vào mặt bạn với sự cho phép của giáo viên.
Những cái tát trong cơn nóng giận, dù là vì lý do gì đi nữa, thì cũng đã gieo vào lòng con trẻ những mầm mống bạo lực đầy nguy hại. Không ai dám bảo rằng các cháu sẽ không ra đòn với bạn khi xích mích. Và cũng chẳng có cơ sở nào để khẳng định rằng các cháu sẽ không ứng xử bạo lực đối với người yếu thế hơn!
Đòn roi trong giáo dục ở khía cạnh nào đó vẫn được một số người ủng hộ khi cho rằng sự nghiêm khắc mới dạy dỗ trẻ nên người. Thế nhưng, những cái tát lên đến hàng chục, hàng trăm lần như thế thì không ai có thể dung thứ!
Vết bầm tím trên má con trẻ rồi sẽ dần tan nhưng vết sẹo trong tâm hồn rất khó mờ. Nỗi đau sẽ theo đuổi các cháu suốt một thời gian dài. Còn sự thương tổn trong tâm nhà giáo và trong lòng phụ huynh sẽ còn nhức nhối mãi…
Nói thẳng, căn bệnh thành tích hảo đã và đang góp phần "dựng lên" nhiều sự việc đau lòng, làm tổn thương hình ảnh ngành giáo dục nước nhà.
Bình luận (0)