Nhiều trường ĐH cho biết tuyển sinh văn bằng 2, liên thông… với nhiều ngành luôn rất khó nhưng với ngành ngôn ngữ Anh thì ngược lại. Nguồn tuyển dồi dào nên kết quả tuyển sinh luôn đạt chỉ tiêu đề ra.
Nguồn tuyển dồi dào
ThS Nguyễn Anh Vũ, Trưởng Phòng Tư vấn tuyển sinh và Phát triển thương hiệu - Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, cho biết không riêng gì hệ đào tạo chính quy, tuyển sinh văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh ở trường cũng rất thuận lợi vì lượng hồ sơ dự tuyển rất dồi dào.
Theo ThS Nguyễn Anh Vũ, tuyển sinh văn bằng 2, liên thông luôn là bài toán khó với nhiều trường vì nguồn tuyển ở nhiều ngành không nhiều. Tuy nhiên, ngành ngôn ngữ Anh lại có sức hấp dẫn riêng. Chẳng hạn như tại Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, tuyển sinh văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh hệ vừa làm vừa học nhiều năm qua luôn đạt 100% chỉ tiêu. Năm nay trường có 90 chỉ tiêu văn bằng 2 nhưng có tới 140 hồ sơ dự tuyển nên kết quả tuyển sinh đạt yêu cầu.
Sinh viên học văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh tại Trường ĐH Tài chính - Marketing nhận bằng tốt nghiệp
Tại Trường ĐH Mở TP HCM, 10 ngành tuyển sinh đào tạo văn bằng 2 có 110 chỉ tiêu thì ngành ngôn ngữ Anh văn bằng 2 chính quy tuyển được 40 chỉ tiêu. TS Lê Xuân Trường, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết hệ đào tạo online, từ xa số lượng người học còn đông hơn nhiều so với đào tạo tập trung. Những người đã có bằng ĐH 1 thì thường chọn học văn bằng 2 ngôn ngữ Anh để phục vụ cho công việc, giao tiếp.
Ở nhiều trường ĐH khác, tuyển sinh văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh cũng rất thuận lợi. TS Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho biết mỗi năm trường có khoảng 60 chỉ tiêu, nhiều năm qua vẫn tuyển rất tốt. Còn Trường ĐH Công nghệ TP HCM nhiều năm qua cũng tuyển sinh văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh với khoảng 30-50 sinh viên. Theo TS Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng nhà trường, kết quả tuyển sinh ngành này nhiều năm qua vẫn tốt.
Khuynh hướng chọn nơi đào tạo "dễ vào - dễ ra"?
Nhiều trường chỉ đào tạo văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh tại cơ sở của mình nhưng cũng không ít trường liên kết với các đối tác mở rộng phạm vi tuyển sinh đào tạo ra nhiều địa phương. Vì thế, vấn đề giám sát nghiêm ngặt chất lượng đào tạo thay vì chạy theo lợi ích kinh tế cần được đặt ra.
TS Lê Xuân Trường cho rằng việc học văn bằng ngôn ngữ Anh trước tiên là vì mục đích sử dụng của người học. Những người chỉ cần học để giao tiếp thì không cần học để lấy bằng mà chỉ cần học ở các trung tâm. Tuy nhiên, những người có mục đích sử dụng tiếng Anh để phục vụ cho học tập, làm việc, nghiên cứu thì cần theo các chương trình đào tạo cấp bằng vì được đào tạo chuyên sâu, bài bản hơn. Ngoài ra, nhiều người cũng muốn học để lấy bằng vì giá trị về thời gian của nó là vĩnh viễn, được miễn yêu cầu tiếng Anh khi tham gia thi ngạch công chức hay học nâng cao lên thạc sĩ, tiến sĩ. Chất lượng đào tạo, theo ông Trường, tùy thuộc vào từng cơ sở đào tạo, tùy thuộc vào việc chương trình đã được kiểm định hay chưa, trường có uy tín hay không…
TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo - Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, cho rằng chất lượng đào tạo là vấn đề đáng bàn trong đào tạo ngôn ngữ Anh hệ văn bằng 2, liên thông… Những người có nhu cầu học để sử dụng cho công việc thì có thái độ học tập nghiêm túc, chọn những cơ sở đào tạo có uy tín để học.
Có những người học văn bằng 2 để miễn môn tiếng Anh khi muốn học nâng cao lên thạc sĩ, tiến sĩ hay thi tuyển công chức thì thường chọn những nơi đào tạo "dễ vào - dễ ra". Vì thế, có không ít trường hợp dù đã là cử nhân ngành tiếng Anh nhưng họ vẫn chưa sử dụng thành thạo ngôn ngữ này trong giao tiếp, công việc.
ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông - Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cũng cho rằng vì nhu cầu người học tiếng Anh hệ văn bằng 2, liên thông, vừa làm vừa học khá nhiều nên cũng nhiều cơ sở đào tạo tổ chức tuyển sinh - đào tạo khá dễ dãi, vì lợi ích kinh tế nên khó có chất lượng.
Bộ GD-ĐT phê duyệt liên kết tổ chức thi chứng chỉ tiếng Anh
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa có quyết định phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh Cambridge. Theo đó, Bộ GD-ĐT phê duyệt cho Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học trực thuộc Sở GD-ĐT TP HCM liên kết tổ chức với Tổng hiệu trưởng, Thạc sĩ và Học giả của Đại học Cambridge hoạt động thông qua tổ chức trực thuộc Nhà Xuất bản và Hội đồng Khảo thí Đại học Cambridge (Cambridge). Địa điểm tổ chức thi tại số 94 Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1, TP HCM.
Chứng chỉ được cấp gồm: Cambridge: A2 Key English Test (KET), B1 Preliminary English Test (PET), B2 First Certificate in English (FCE). Bộ GD-ĐT yêu cầu các bên liên kết tuân thủ pháp luật Việt Nam. Các kế hoạch đăng ký, thi, bảo mật đề... phải bảo đảm các điều kiện về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài quy định tại Nghị định số 86.
Thời hạn hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh Cambridge này có hiệu lực 5 năm tính từ ngày ra quyết định.
Y.Anh
Bình luận (0)